Đổi mới giáo dục đại học - Chìa khóa phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Trần Hiền Phúc (Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang)

15/07/2022 06:39

Theo dõi trên

Phát triển nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong ba đột phá chiến lược quan trọng hàng đầu của đất nước. Một trong những yếu tố góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đó là đổi mới phương pháp đào tạo -  đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy và học.

ch1-doi-moi-giao-duc-dai-hoc-1657805850.jpg
Sự phát triển của công nghệ trực tuyếntạo ra nhiều hứng thú và cá nhân hóa việc học, giúp sinh viên làm chủ kiến thức.

Đa dạng mô hình dạy học

Với sự phát triển của công nghệ trực tuyến, lớp học truyền thống hiện đang thay đổi - và một trong những thay đổi lớn nhất là việc dạy học kết hợp. Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng, tại Điều 2  có nêu “Đào tạo kết hợp (Blended learning) là việc kết hợp phương thức học tập điện tử (e-Learning) với phương thức dạy – học truyền thống (theo đó người dạy và người học cùng có mặt) nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo và chất lượng giáo dục”.

Mô hình dạy học kết hợp được nghiên cứu bởi viện Đại học Cambridge tại Anh, là cách thức dạy học kết hợp giữa dạy học trên lớp và dạy học trực tuyến [Wikipedia, Bách khoa toàn thư miễn phí]. Người học sẽ có một số lựa chọn về nơi học và thời gian học. Người dạy là người quyết định mức độ lựa chọn, cũng như yếu tố nào trong giáo dục của người học được hoàn thành trực tuyến và yếu tố nào được hoàn thành trong lớp. Đây là phương pháp đem lại hiệu quả hơn so với các lớp học truyền thống hoặc lớp học trực tuyến. Sự kết hợp này, sinh viên vừa được giảng dạy trực tiếp trên lớp cũng như vừa được giảng dạy trên Mobile Learning và Internet Learning [3].

Có rất nhiều cách kết hợp để lựa chọn, theo ông Michael B. Horn đến từ học viện Innosign đã xác định bốn mô hình dạy học kết hợp phổ biến nhất, đó là: 

Mô hình Face-to-Face: Sử dụng mô hình giảng dạy truyền thống là chính trong việc giảng dạy, tuy nhiên có ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp tài liệu học tập và thực hiện các bài đánh giá. Theo đó, người học sẽ giành thời gian để tham gia học tập, trao đổi, thảo luận trực tiếp tại lớp còn việc đọc tài liệu hay thực hiện các bài tập sẽ thông qua Internet. Mô hình này giúp người dạy có nhiều thời gian hơn để hỗ người học, phù hợp với lớp học có sự phân khúc hay chênh lệch về kiến thức giữa các thành viên trong lớp học.

Mô hình Rotation – mô hình luân phiên: Người học sẽ học luân phiên giữa hai mô hình học tập truyền thống và học tập trực tuyến theo một lịch trình đã được công bố. Mô hình này tạo được tính linh hoạt trong việc dạy và học, người dạy có thể hỗ trợ người học các nội dung của buổi học trực tuyến vào các buổi học truyền thống dựa theo nhu cầu của người học.

Mô hình Flex: Người dạy đưa ra định hướng, hướng dẫn người học chủ động học tập theo mô hình học tập trực tuyến, giờ học trực tiếp sẽ giành để trao đổi, thảo luận và giải đáp thắc mắc. Mô hình này giúp người học phát huy được khả năng tự học, tự nghiên cứu, người học có thể chủ động sắp xếp thời gian học, không gian học cũng như thời lượng học cho phù hợp với bản thân. Mô hình Flex được sử dụng nhiều trong môi trường khi những lớp học truyền thống không thành công, môi trường người học là những đối tượng vừa học vừa làm.

Mô hình Self-Blended: Cho phép người học có thể đăng ký học trực tuyến các môn học ngoài chương trình học. Mô hình này phù hợp với bậc đào tạo đại học, khuyến khích người học nâng cao kiến thức, mở rộng chuyên môn, học thêm các môn học theo sở thích cá nhân.

Tuy nhiên, ông cũng nói rõ những mô hình này chỉ đơn thuần là một khuôn khổ để người dạy sử dụng khi phát triển và thảo luận về học tập kết hợp. Hầu hết người dạy lựa chọn mô hình phù hợp với việc giảng dạy của mình, có thể sử dụng mô hình này vào một bài dạy cụ thể và một mô hình khác vào một bài dạy khác trong tuần. Trong bốn mô hình đã đề cập thì mô hình luân phiên được sử dụng thường xuyên ở hầu hết các trường học, giai đoạn các trường học bắt đầu trở lại học trực tiếp sau đại dịch covid 19 diễn ra lần thứ tư. Việc lựa chọn mô hình dạy học kết hợp phù hợp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như cơ sở vật chất, điều kiện tài chính của Nhà trường, đặc thù môn học và chương trình học, phụ thuộc vào năng lực, nhu cầu và điều kiện cá nhân của đối tượng theo học.

Mô hình luân phiên được chia thành bốn mô hình con: Luân phiên trạm, luân phiên phòng thực hành, lớp học đảo ngược và luân phiên cá nhân; trong đó lớp học đảo ngược được các trường học sử dụng nhiều nhất. Lớp học đảo ngược là một khóa học hoặc chủ đề trong đó người học tham gia học trực tuyến trước khi đến lớp và sau đó tham gia vào lớp học trực tiếp để thực hành hoặc thực hiện dự án trực tiếp do người dạy hướng dẫn. Việc cung cấp nội dung và hướng dẫn chủ yếu là trực tuyến trước khi đến lớp, giúp phân biệt lớp học đảo ngược với việc người học chỉ đơn thuần làm bài tập về nhà trực tuyến sau giờ học trên lớp.

Các mức độ dạy học kết hợp

Mức độ 1: Giảng viên sử dụng hình thức dạy học trên lớp là chủ đạo có sử dụng các tài liệu hướng dẫn học tập trực tuyến cho sinh viên. Sinh viên sử dụng các phương tiện công nghệ và mạng Internet tìm kiếm tài liệu liên quan tới môn học để thực hiện các nhiệm vụ học tập.

Mức độ 2: Giảng viên phải thiết kế các bài giảng trực tuyến và sử dụng kết hợp với dạy học trên lớp. Sinh viên thực hiện các nhiệm vụ học tập trực tuyến, các trao đổi, thảo luận cho bài học được thực hiện qua email, forum, hoặc trực tiếp trên lớp học.

Mức độ 3: Giảng viên dạy học kết hợp giữa trực tuyến và trên lớp, phải có kế hoạch kiểm tra, đánh giá và quản lý lớp học trực tuyến. Sinh viên thực hiện các nhiệm vụ học tập, tham gia các hoạt động kiểm tra đánh giá trực tuyến; thảo luận, trao đổi thông tin qua email, forum hoặc trực tiếp trên lớp học [4, Tr 106].

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà giáo dục, trong dạy học kết hợp giữa dạy học trên lớp và dạy học trực tuyến là 30/70. Với tỉ lệ này, các hoạt động dạy học trực tuyến chiếm vai trò chủ đạo, việc học được cá nhân hóa rất cao. Nhận thức về vai trò của người dạy và người học đã thay đổi, trong đó người dạy là người định hướng cho quá trình học, còn người học chủ động tìm kiếm, chia sẻ thông tin và hoàn thành quá trình lĩnh hội tri thức.

Điều kiện và môi trường thực hiện dạy học kết hợp

Về cơ sở vật chất: Các yêu cầu về cơ sở vật chất là rất cần thiết khi áp dụng dạy học kết hợp. Nhà trường cần trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện dạy học, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng môi trường học tập kỹ thuật số đáp ứng các tiêu chuẩn giáo dục và cá nhân hóa việc học tập. Đảm bảo người dạy và người học đều có đủ các thiết bị học tập thông minh để có thể tổ chức và tham gia lớp học trực tuyến. Cụ thể trang bị phòng học có máy tính, tivi, máy chiếu, màn hình tương tác thông minh, hệ thống âm thanh, …; kết nối Internet hoạt động ổn định, không gây ảnh hưởng đến trải nghiệm học tập và giảng dạy của các thành viên trong lớp; phần mềm về công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu dạy và học, phầm mềm đánh giá để đánh giá mức độ tương tác của người học, đồng thời chịu trách nhiệm thống kê kết quả để đánh giá hiệu quả học tập của từng người.

Đối với giảng viên: Dạy học trên lớp hay dạy học trực tuyến, vai trò của giảng viên hết sức quan trọng. Ngoài kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn, giảng viên cần phải trang bị kiến thức về việc sử dụng các công nghệ hiện đại phục vụ dạy học; biết lựa chọn các tài liệu giảng dạy phù hợp với đối tượng sinh viên; biết thiết kế, lựa chọn các hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp với năng lực và kỹ năng sử dụng công nghệ của sinh viên. Giảng viên có vai trò định hướng, hướng dẫn sinh viên, xây dựng nội dung học tập giúp sinh viên tự truy cập; dạy cho sinh viên những kỹ năng cần thiết khi khai thác, xử lý thông tin.

Đối với sinh viên: Dạy học kết hợp làm thay đổi cấu trúc quá trình dạy và học theo hướng cá nhân hóa người học. Sinh viên được học tập trong môi trường đa dạng, linh hoạt đáp ứng tối đa nhu cầu và phong cách học tập. Do vậy, khi tham gia hình thức học tập này, đòi hỏi sinh viên phải có sự chủ động, tích cực và tự giác trong học tập. Việc tự học của sinh viên cũng là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng học tập của mỗi cá nhân. Sinh viên không chỉ ghi nhớ, hiểu mà đòi hỏi phải biết cách phân tích, tổng hợp và xử lý thông tin một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, mỗi sinh viên cần rèn luyện, duy trì ý thức kỷ luật và động cơ học tập đối với loại hình học tập này.

Tiến trình thực hiện dạy học kết hợp

Để việc áp dụng mô hình dạy học kết hợp hiệu quả, bước đầu giảng viên nên vận dụng ở mức độ thấp nhằm giúp sinh viên dần làm quen với hình thức học tập này, rèn luyện cách tự học cũng như một số kỹ năng cần thiết khác. Sau đó giảng viên có thể nâng dần mức độ thực hiện. Quá trình dạy học trên mô hình dạy học kết hợp có thể phân làm 3 giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn tổ chức hoạt động dạy học, giai đoạn đánh giá và điều chỉnh.

Giai đoạn chuẩn bị: Giảng viên xác định nhóm học tập, nhận diện phong cách học tập của từng sinh viên để phân nhóm. Giảng viên dự kiến môi trường dạy và học như: học liệu, tài nguyên, phần mềm trực tuyến để dạy học, phần mềm kiểm tra đánh giá, hệ thống phần mềm thiết kế các nhiệm vụ học tập, các gói bài tập vận dụng, thực hành,... Cuối cùng giảng viên xác định nội dung và tỷ lệ dạy học trên lớp - dạy học trực tuyến. Việc xác định tỷ lệ dạy học trên lớp - dạy học trực tuyến phụ thuộc vào điều kiện của Nhà trường. Bối cảnh hiện tại ở Việt Nam, điều kiện thực tiễn chưa đảm bảo đáp ứng đủ để thực hiện các mô hình dạy học kết hợp với tỷ lệ trực tuyến cao hơn. Tùy theo điều kiện của từng trường mà phân chia tỷ lệ sao cho hợp lí, có thể xác định tỷ lệ 60% dạy học trên lớp và 40% dạy học trực tuyến, cũng có thể các định 70% dạy học trên lớp và 30% dạy học trực tuyến.

Giai đoạn tổ chức hoạt động dạy học: Hoạt động dạy học của mô hình dạy học kết hợp được chia thành 2 hoạt động chính là “trên lớp” và “trực tuyến”. Giảng viên cần linh hoạt trong việc tổ chức hoạt động tùy thuộc vào tình hình thực tế. Hai hoạt động này có thể được thực hiện xen kẻ nhau sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Tổ chức hoạt động trực tuyến: Giảng viên chuẩn bị kịch bản, bài tập thực hành, bài giảng điện tử, bài giảng video, hệ thống câu hỏi trắc nghiệm, lập lịch dạy. Sau đó giảng viên tích hợp sẵn lên hệ thống quản lý học tập trực tuyến của Nhà trường (nếu có) hoặc có thể lựa chọn các phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến thích hợp và thiết lập lớp học trực tuyến. Một số ứng dụng và phần mềm được sử dụng phổ biến hiện nay như Trueconf, EzTalk, SHub Classroom, Zoom, BlueJeans, … Giảng viên cần hướng dẫn sinh viên cách thức và một số thao tác cần thiết về các phần mềm mà giảng viên đã chọn trước phiên trực tuyến. Sau khi đã cài đặt và thiết lập xong, giảng viên gửi đến sinh viên đường link và phân công nhiệm vụ học tập cụ thể cho từng cá nhân hoặc nhóm.

Tổ chức hoạt động trên lớp: Giảng viên xây dựng kịch bản sư phạm và kế hoạch sử dụng các phương tiện dạy học hỗ trợ, sử dụng âm thanh kỹ thuật số, công cụ trực quan, … Quá trình lên lớp không còn là việc để truyền tải thông tin mà thay vào đó là cơ hội để thảo luận những vấn đề sai lầm của sinh viên; trao đổi, tranh luận những vấn đề liên quan đến chủ đề cần thảo luận. Cuộc tranh luận giúp sinh viên xác định rõ những vấn đề khó khăn và bắt đầu cùng nhau chia sẻ, so sánh quan điểm, kinh nghiệm liên quan đến vấn đề để đi đến sự đồng thuận. Sau đó giảng viên làm rõ vấn đề, củng cố và giao nhiệm vụ học tập tiếp theo.

Giai đoạn đánh giá và điều chỉnh: Giảng viên tiến hành kiểm tra đánh giá quá trình dạy và học thông qua các bài kiểm tra trên lớp và trực tuyến. Đối với hình thức dạy học trên lớp, giảng viên cho làm bài kiểm tra từ 45 đến 60 phút với nhiều hình thức khác nhau như tự luận, thực hành cá nhân hoặc theo nhóm, sản phẩm dự án, ... Đối với hình thức dạy học trực tuyến, giảng viên cho sinh viên làm bài kiểm tra trắc nghiệm trên hệ thống có tính thời gian, sinh viên thực hiện nhóm nhỏ các bài tập lớn theo chủ đề. Việc đánh giá nhằm theo dõi tiến độ học tập, phát hiện những sai sót trong việc học và lên kế hoạch sửa chữa kịp thời, cung cấp phản hồi cho sinh viên và giảng viên về tiến độ học tập của sinh viên.

Từ việc kiểm tra đánh giá, giảng viên đưa ra những kết luận về quá trình tổ chức dạy học, từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp hơn. Đồng thời giảng viên cùng sinh viên đúc kết lại những kinh nghiệm thu được trong quá trình dạy và học nhằm phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế.

Trong thời đại số và công nghệ thông tin như hiện nay thì việc vận dụng mô hình dạy học kết hợp vào quá trình dạy học là điều hết sức cần thiết, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc kết hợp linh hoạt giữa hình thức dạy học trên lớp và dạy học trực tuyến với những tỷ lệ khác nhau để đổi mới trong tư duy giảng dạy, sẽ giúp phân hóa trình độ sinh viên, tạo ra nhiều hứng thú và cá nhân hóa việc học giúp sinh viên làm chủ kiến thức. Dạy học kết hợp này là sự kết hợp hài hòa nhằm tạo ra một môi trường học tập mở, không giới hạn về thời gian, không gian; làm thay đổi nhận thức về vai trò của giảng viên và sinh viên, về phương thức, về công cụ kiểm tra đánh giá.

------------------------

Tài liệu tham khảo:

Luật Giáo dục đại học 2018.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công văn số 54444/BGDĐTGDĐH ban hành ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin trình độ đại học.

Lê Thái Hưng, Hà Vũ Hoàng, Ảnh hưởng của đánh giá quá trình lên động cơ học tập của sinh viên trong dạy học kết hợp, Tạp chí Giáo dục, Số 490 (Kì 2 - 11/2020), tr 14-18.

TS. Nguyễn Hoàng Trang, Một số vấn đề trong tổ chức dạy học Blended learning và kinh nghiệm quốc tế, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Giáo dục cho mọi người, trường Đại học Giáo dục, 2019.

Bạn đang đọc bài viết "Đổi mới giáo dục đại học - Chìa khóa phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn