Đọc "Dáng tết"

TS. Trần Đại Nghĩa (Viện ngôn ngữ học)

02/03/2022 08:12

Theo dõi trên

Bài thơ Dáng Tết hay, và hơn nữa là rất hay, vì đây là một bài thơ nhỏ lời ngắn mà ý dài, dễ nhớ, dễ thuộc, chất chứa nhiều liên tưởng bất ngờ.

hoa-dao-1-1579818095692-1579818095693820259588-1644749071.jpg
 

 

Búp sen rực hạ

đung đưa

nón nghiêng

thiếu nữ chợ trưa thị thành

Cốm xanh

gói lá sen xanh

Mềm vai quang gánh

chị sang đò chiều

Chớm Xuân mẹ quẩy dăm đào

Đã bừng dáng Tết vẫy chào phố đông…

        2. Trước hết là nhan Dáng Tết

Nhan này làm liên tưởng đến Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ đến Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ. Cả ba nhan đều liên quan đến thời gian. Màu thời gian là thời gian yêu đương. Chợ Tết và Dáng Tết là thời gian ăn Tết. Đoạn giữa Chợ Tết xuất nổi lên cặp bát - bát (tám - tám) nói về “Nước thời gian":

Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,

Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.

Cặp tám - tám này đã được Hoài Thanh nức nở một thời.

2.1. Nhan Chợ tết không có gì đặc biệt. Nhan Màu thời gian được Hoài Thanh nhận xét:

"Không ai ngờ một cái đầu đề có tính cách triết học như thế lại dùng để nói một câu chuyện tâm tình”

“Người Pháp thường bảo thời gian mầu xanh. Nhưng thi nhân nhớ lại thời xưa, hồi người đương yêu, cứ thấy màu thời gian tím ngát vì người riêng thích một thứ hoa tím, và mầu hoa lẫn với mầu yêu ”

“ Tím ngát tả đúng mối tình dìu dịu. “ Tím ngắt"- sẽ đau đớn quá"

______________________________

* PGS.TS. Phạm Văn Hảo - Phó tổng biên tập thường trực Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống

2.2. Nhan DÁNG Tết có tính cách khá mơ hồ được dùng để nói về những cái có tính cách rất cụ thể.

Dáng là đặc trưng của con người. Màu thời gian và Nước thời gian ít liên tưởng đến con người hơn dáng tết. Màu thời gian và nước thời gian đồng sinh ra vào những năm 1940, 1941. Dáng thời gian sinh sau đẻ muộn hơn, mãi tới 81 năm sau, tức năm nay năm Nhâm Dần 2022. Cả ba đều là những sáng tạo từ đặc sắc làm nên một vốn sử ngữ liệu đắt giá dành cho các nhà Việt ngữ học lấy làm cơ sở để nghiên cứu cơ chế sáng tạo từ ngữ tiếng Việt của giới văn chương Việt Nam.

3 Xét về mặt âm điệu

      Âm điệu của Dáng Tết không những mới mà còn đa điệu, đa hồn hơn Màu thời gian và Chợ tết. Dáng tết được làm ra bằng những câu dài ngắn không đều: hai tiếng, bốn tiếng, sáu tiếng, tám tiếng, được tổ chức hành ba khúc điệu có hồn riêng nối tiếp nhau.

Khúc điệu mở đầu: 4-2-2-6.

Khúc điệu tiếp theo 2-4-4-4.

Khúc điệu kết thúc: 6-8

Để nói về cái hay của ba khúc điệu trên, xin được để dành riêng cho một bài khác. Và rồi cũng cần phải có một bài riêng cho cái dấu ba chấm (...) ở cuối bài thơ

4. Về mặt cấu trúc dòng thơ.

       Dáng tết toàn bài có mười dòng tất cả mà tựu trung cũng chỉ gồm có bốn mươi hai tiếng đan âm. Cả bài là một bức tranh gồm ba bức nhỏ liên hoàn.

Bức thứ nhất - như một màn kịch ngắn:

       Thoạt đầu búp sen xuất hiện ( không rõ hẳn ra là một hay nhiều búp). Với màu rực chói mùa hạ.

Kế đến xảy ra cái hiện tượng “đung đưa".

Tiếp liền là hiện tượng “nón nghiêng".

Sau hiện tượng nón nghiêng thì một thiếu nữ xuất hiện.

Như vậy cứ theo lý mà suy giữa búp sen và thiếu nữ có quan hệ “đung đưa" làm cho nón nghiêng. Mà sự đung đưa lại đứng dưới hạ rực. Câu chuyện đặt ra ai làm ai đung đưa?

Búp sen rực hạ làm đung đưa thiếu nữ.

Hay thiếu nữ làm đung đưa búp sen.

Hoặc cả hai cùng đung đưa nhau.

Mối quan hệ đung đưa giữa búp sen rực hạ chủ động với thiếu nữ giữa chợ trưa chốn thị thành- lập tức khiến nghĩ đến trường hợp “ thiếu nữ đào hoa tương ánh hồng.

Ô hay nhỉ:

    Ngày xưa thì "Thiếu nữ đào hoa tương ánh hồng"

    Thời nay thì "Búp sen tương rực hạ thiếu nữ ".

Bức thứ hai - như một hoạt cảnh

Thoạt đầu xuất hiện:

Cốm xanh

Không cần mở cũng biết nó được gói bằng lá sen xanh

Cách viết kiểu như đánh đố

Cứ như đùa:

Trẻ con học tiếng Việt

Nếu hô:

- Cốm xanh

Thì phải đáp:

- Gói lá sen xanh!

Ngay sau cái điệu đố úp úp mở mở đùa cợt đó, bất ngờ là cái điệu mềm, lặng lẽ, nhẹ nhàng êm ái:

Mềm vai quang gánh

Nhẹ nhàng một người chị nhẹ nhàng bước chân:

chị sang đò chiều

Dáng điệu người chị thư thái thư thả.

A hiểu ra rồi:

Mềm vai quang gánh- tức có nghĩa là:

Gánh hàng chị bán đã gần như hết, còn cũng không nhiều lắm, nên vai chị bớt bị đè nặng, có vẻ như được giãn nở êm ái đỡ chai sạn đi nhiều lắm.

Thật ra chính cái sự bán được hàng mới làm chị vui, nên cái cảm giác mềm vai của chi mới có vẻ rõ rệt ra như thế.

Hai chữ đò chiều với dáng sang đò nhẹ nhàng thư thái của chị qua sông giờ chiều, khiến tôi lòng ngân nga lên:

Một chiều thư thái trên sông

Lòng thư thái thả lòng không thuyền đò

Bức thứ ba - như một cánh én báo xuân

Bức này có điệu lục gây đột ngột:

Chớm Xuân mẹ quẩy dăm đào

Đã bừng dáng Tết vẫy chào phố đông…

Mở đầu lục: Chớm

Mở đầu bát: Đã

        Cảm giác đột ngột là do quan hệ Chớm- Đã tạo ra.

         Ngay sau cái sự kiện Chớm- Đã đó, là một "dáng Tết điệu Xuân" xuất hiện làm bừng sáng phố đông trong tư thế vẫy chào tươi vui sống động cả phố phường.

Tôi dường như muốn hét lên:

     Trời ơi! Dáng Tết là dáng mẹ đây rồi.

Dáng mẹ đang quẩy dăm đào vừa đi vừa vẫy vẫy tay vui với hết thẩy mọi người qua lại đông tấp nập kia. Nhìn dáng điệu của mẹ, đầu tôi bật ra câu hỏi rằng:  Sao sớm nay mẹ vui thế nhỉ, vui là vui quá đi thôi. Dáng mẹ như dáng một thiếu nữ xuân tươi rạng rỡ trong đầu xuân. Tự nhiên một câu thơ hiện về:

Vui sao một sáng tháng năm

Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ

Suối ngàn xanh mướt nương ngô

Bốn phương lồng lộng thủ gió ngàn

Nhưng đấy là thủ đô kháng chiến xưa. Còn đây là thủ đô- một thủ đô đích thực hoà bình nay. Cứ ngắm cái điệu mẹ quẩy dăm đào như một cô gái xuân tươi vui nhẹ nhàng vừa đi vừa vẫy tay chào những đám đông người tôi tưởng ngay tới câu thơ xưa:

“ Quan quan thư cưu"

“ Yểu điệu thục nữ"

“ Quân tử hảo cầu"

Trong đầu tôi tự hỏi:

Mẹ quẩy dăm đào vẫy chào phố đông này là cùng dòng máu Lạc Hồng với mẹ Tơm mẹ Suốt, với Bầm ơi với Bà bủ nằm ổ chuối khô những năm kháng chiến ngày nào…

Lập tức một câu thơ vang lên:

“Rũ bùn đứng dậy chói loà"

“Đạp quân thù xuống đất đen

Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa"

Tác giả, xin cảm ơn ông với chỉ bốn mươi hai tiếng đan âm, ông đã tạo nên được một Tượng hình - Dáng Tết - Điệu Xuân - Điệu hồn mẹ Việt- Mẹ Việt Nam bằng ngôn ngữ thơ giữa lòng thủ đô ngàn năm văn vật nghìn đời nay xưa. Rời bài thơ Dáng Tết mà tôi lòng vẫn ngân nga tiếng hát:

Dáng ai như dáng chị

Dáng Mẹ tôi

3. Kết luận

Dáng Tết có quyền ngang hàng với Màu thời gian, với Chợ Tết trong làng

Thi nhân Việt Nam.

4. Nói thêm

Cái hay của Dáng Tết còn có thể tìm thấy ở cái tài “cầm quân" của tác giả bài thơ. Bằng vào 42 quân - tiếng đan âm, ông đã tổ chức thành đội quân: tiền quân, trung quân và hậu quân. Mỗi một quân có số quân bằng nhau đều là mười bốn.

Tiền quân có đội hình: 4-2-2-6

Búp sen rực hạ (4)

Đung đưa (2)

Nón nghiêng (2)

Thiếu nữ chợ trưa thị thành (6)

Cái hay của sự tổ chức ra tiền quân, trung quân, hậu quân này cần phải có một bài riêng. Cũng có thể hình dung tiền quân này như một đoản hoạt kịch có màu sắc giai gái:

Nhân vật: Búp sen rực hạ

Hành động: Đung đưa

Hậu quả: nón nghiêng

Bất ngờ sau đung đưa nón nghiêng là một thiếu nữ thị thành - thiếu nữ tân thời giữa chợ lúc ban trưa.

Thiếu nữ tân thời có nhiều khả năng đung đưa giữa chợ lúc ban trưa lắm chứ. Dù là thế nào thì đoản hoạt kịch rõ ra là có một cái gì đó mang dáng vẻ màu sắc gái trai đú đởn. Ai cấm người ta nghĩ có một cái gì đó là cùng một guộc giữa:

          Thiếu nữ đào hoa tương ánh hồng

   với  Búp sen thiếu nữ tương rực hạ.

Cùng là với:

                   Búp sen thiếu nữ tương đung đưa

giữa trưa

giữa chợ

nơi thị thành ...

                                 người đung kẻ đưa một cách tự nhiên như nhiên.

Mà sự đung đưa dễ làm liên tưởng đến đong đưa, đến lúng liếng là lúng liếng ơi người lúng liếng một thì tôi đây lúng liếng mười. Những ai có đầu óc công dung ngôn hạnh thì khó dám nghĩ  và sẽ phải băn khoăn nhiều sao mà lại có chuyện sen tượng trưng nhà Phật có thể có cái đung đưa kiểu giai gái thể vậy. Ôi dào! Thiếu gì chuyện ông sư bà vãi đô xòn; và chuyện thằng sen con ở, con sen thằng ở, mắt liếc mày chau với cả ông chủ, bà chủ.

Cuối cùng, như một quy luật:

Gây khả năng liên tưởng dồi dào có khi đối lập nhau, thậm chí trái ngược hẳn nhau - đó chính là đặc trưng của một áng văn hay. Đứng về mặt này mà xét thì:

 Dáng Tết có phần vượt hơn lên so với cả Màu thời gian, với cả Chợ Tết.

Ông tác giả bài thơ này gọi vui là Ông Dáng Tết hoặc Ông Điệu Tết, người nghe dễ vui vẻ biểu đồng tình./.

 

Hà Nội, ngày 23 tháng 2 năm 2022 - TĐN

 

* Hết thảy những gì liên quan đến Hoài Thanh mà chúng tôi dẫn ra ở đây là đều được rút ra từ "THI NHÂN VIỆT NAM", in năm 2009, Nxb Văn học.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Đọc "Dáng tết"" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn