Điệp viên anh hùng Phạm Xuân Ẩn (kỳ 3)

Phạm Thúy Hậu

28/03/2022 10:29

Theo dõi trên

Theo nguồn "Điệp viên hoàn hảo" của Giáo sư Larry Berman

viet-nam-1648438041.jpg
Frank McCulloch khi còn ở Việt Nam. Ảnh: Life do tác giả cung cấp.

 

Phạm Xuân Ẩn giải thích:

- Tất nhiên có tiếng nói của Anson ở Văn phòng Tạp chí Time vẫn tốt hơn.

Bởi vì theo quan điểm của ông, Anson là người am hiểu lịch sử, văn hoá, và con người Việt Nam hơn các phóng viên khác của Tạp chí Time, đặc biệt là Marsh Clark và Burt Pines. Tạp chí Time cần những con người như Bob Anson và sẽ là rất không tốt nếu để mất Anson. Đáng tiếc là lúc đó Frank McCulloch không còn ở đó, vì khi McCulloch mới đến Việt Nam, cách nghĩ của ông ta cũng giống hệt như của Marsh Clark. Nhưng khi kết thúc nhiệm kỳ rời Việt Nam, McCulloch lại có quan điểm giống hệt Anson.

Frank McCulloch dù đứng ở đâu cũng dễ bị nhận ra chỉ vì cái đầu cạo trọc của anh ta. Bởi vậy, trẻ đánh giầy, dân bán hàng dạo ở Sài Gòn thường gọi Frank McCulloch là "sư cụ". McCulloch lần đầu tiên đến Sài Gòn tháng 1/1964. Trong nhiệm kỳ bốn năm làm việc tại Văn phòng Tạp chí Time-life khu vực Đông Nam Á ở đây, McCulloch chứng kiến bảy lần thay đổi người đứng đầu chính quyền Sài Gòn. Thời kỳ cao điểm nhất, McCulloch phát về tổng xã số tin bài tổng cộng 50.000 từ mỗi tháng bằng máy telex. Frank McCulloch là người được các nguồn tin tin cậy, đồng nghiệp tôn trọng, nhân viên dưới quyền trung thành. Vì vậy McCulloch được mệnh danh là nhà báo của các nhà báo.

McCulloch cho rằng mỗi phóng viên làm việc ở Việt Nam đều phải trải qua những giai đoạn khác nhau về quan điểm, nhận thức.

"Giai đoạn một: Rất hứng khởi với niềm tin rằng người Mỹ có thể bảo vệ được người Việt Nam, người Việt Nam thực sự muốn được bảo vệ và biết ơn người Mỹ.

Giai đoạn hai (thường khoảng ba tháng sau): Chúng ta có thể làm được điều đó, nhưng công việc trở nên khó khăn hơn tôi tưởng lúc đầu và hiện tại đang được lên giây cót.

Giai đoạn ba (khoảng từ sáu đến chín tháng sau): Người Việt Nam (luôn luôn là người Việt chứ không bao giờ là người Mỹ) đang thực sự phải lên giây cót.

Giai đoạn bốn (mười hai đến mười lăm tháng sau): Chúng ta đang thất bại tồi tệ hơn nhiều so với điều tôi tưởng.

Giai đoạn năm: Bất lực. Người Mỹ không nên đến đây và chúng ta đang làm những điều tai hại nhiều hơn là điều tốt":

Khi McCulloch bước vào giai đoạn cuối cùng của đời phóng viên ở Việt Nam, anh đã gửi về tổng xã một bài viết về sự tăng quân ồ ạt vào Việt Nam năm 1965.

Thông tin này McCulloch lấy được từ các mối quan hệ của anh trong hải quân Mỹ đúng bốn tuần trước khi được công bố. (Phạm Xuân Ẩn cũng từng được nhận một Huân chương Chiến công vì đã rút ra kết luận giống như vậy trong các báo cáo của ông gửi ra cho Hà Nội). Vậy mà cấp trên của McCulloch ở New York đã từ chối đăng bài viết này của anh chỉ vì đích thân Tổng thống Mỹ yêu cầu không đăng. Tổng biên tập Tạp chí Tim Hedley Donovan sau này nói với McCulloch rằng bản thân ông đã nhận được điện thoại trực tiếp từ Tổng thống Mỹ Johnson nói:

- Donovan, Tổng thống Hoa Kỳ đây… Ông có một cậu phóng viên đầu trọc lần mò khắp nơi dưới nắng nhiệt đới mà cứ để đầu trần đấy. Tay phóng viên này làm rối tung rối mù lên. Ông phải rút tay phóng viên này ra khỏi Việt Nam ngay!.

annh-cuoi-1648438220.jpg
Ngày 25/1/1962 là ngày cưới của Thu Nhàn và Phạm Xuân Ẩn (ảnh trong Bộ sưu tập cá nhân của Phạm Xuân Ẩn)

Vào cuối năm 1967, khi McCulloch rời Việt Nam, quan điểm của anh không khác mấy so với quan điểm của Anson về cuộc chiến tranh. Bằng chứng là vào ngày 8/6/1967, phát biểu tại một buổi lễ khai giảng ở Trường Đại học Nevada, McCulloch nói:

“Tôi quen biết một sĩ quan Việt Nam Cộng hoà từng tham chiến trong một phần tư thế kỷ, một kẻ giết người chuyên nghiệp, thế mà rất lạ là vẫn không tin tưởng người Mỹ. Đó là một người đàn ông nhẹ nhàng và sâu sắc. Một hôm tôi hỏi người sĩ quan:

- Theo anh thì tương lai sẽ ra sao ?

Người sĩ quan nhún vai và chỉ cười. Sau đó ông ta nói:

- Có lẽ tiếp đến chúng tôi phải đánh người Mỹ thôi.

Thấy tôi sửng sốt, người sĩ quan nói tiếp:

- Khi tôi 19 tuổi, người Nhật Bản kéo vào nước tôi và bảo chúng tôi rằng Nhật Bản là bạn của Việt Nam, đến đây để giải phóng chúng tôi khỏi đám người da trắng. Nhưng thực tế, người Nhật không phải là những người đến giải phóng chúng tôi và chúng tôi đã phải kháng Nhật. Khi cuộc kháng chiến chống Nhật Bản vừa kết thúc, người Pháp trở lại bảo chúng tôi rằng lần này người Pháp đến Việt Nam không phải là những ông chủ thực dân, mà là những người bạn. Nhưng chúng tôi đã phải đánh họ suốt chín năm, đến tận 1954 mới kết thúc và người Pháp phải cuốn gói ra đi. Những người Cộng sản thì không phải đến, mà họ đã sẵn ở đây, cũng nói họ là bạn của chúng tôi, nhưng từ năm 1955 chúng tôi đã phải đánh nhau với họ. Điều lạ là tôi thực sự không muốn đánh bất kỳ ai trong số nói trên và tôi cho rằng hầu hết họ cũng không muốn đánh chúng tôi. Bây giờ người Mỹ đang ở đây với tư cách những người bạn, những người giải phóng của chúng tôi. Tôi tự hỏi liệu có ai trong số chúng ta học được điều gì từ lịch sử đã từng diễn ra ở Việt Nam hay không?

Tôi không thể trả lời câu hỏi của người sĩ quan".

Chiến lược đa gọng kìm của Hà Nội là bằng mọi cách tranh thủ được dư luận Mỹ. Phạm Xuân Ẩn hiểu rằng có Anson trong Tạp chí Time sẽ rất lợi, vì nhà báo này đưa ra các thông tin về chiến tranh giống như quan điểm của Phạm Xuân Ẩn. Đó là không tô vẽ cho những thắng lợi, mà mô tả cuộc chiến tranh như một cái thùng không đáy. Phạm Xuân Ẩn quả quyết rằng ông không hề tìm cách gây ảnh hưởng đối với cách nghĩ của Anson. Ông nói với tôi:

- Anson đã dành khá nhiều thời gian ra ngoại ô Sài Gòn và vào các thôn làng, nói chuyện với những người dân địa phương. Anson đã học được nhiều điều qua những chuyến đi ấy hơn là học từ tôi.

Sau này, chính Anson cũng nói với tôi:

- Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình bị Phạm Xuân Ẩn lôi kéo. Ông Phạm Xuân Ẩn có thể chỉ trích bên này, bên kia một cách có dụng ý. Nhưng ngay từ khi tôi đặt chân đến Sài Gòn, thì cả ông Phạm Xuân Ẩn và tôi đều đã có quan điểm chống chiến tranh rồi cơ mà.

Phạm Xuân Ẩn lắng nghe lời của Diane cầu xin giúp đỡ tìm kiếm chồng mình, ông nghĩ tới nghĩ lui về cái ngày ở tiệm cà phê Givral. Ông đã bảo Anson xé lá đơn xin từ chức đó đi. Nếu ông không khuyên Anson như vậy, rất có thể hôm nay biết đâu gia đình Anson lại chẳng đang cùng nhau đi nghỉ ở Singapore hay Bali. Vài tuần sau khi Anson gặp ông ở tiệm cà phê Givral, Marsh Clark gọi Anson tới văn phòng của ông ta - nơi có treo trên tường một tấm bản đồ Đông Dương khổ lớn. Clark chỉ vào Việt Nam, đoạn quay sang nói với Anson:

- Tôi phụ trách đưa tin khu vực này.

Sau đó ông ta chỉ sang vị trí nước Lào và Campuchia nói:

- Còn hai nước này thuộc về anh phụ trách.

Kết thúc buổi làm việc hôm ấy, Clark bảo Anson đóng gói đồ đạc để ra sân bay:

- Tôi không muốn thấy cái mặt anh ở đây nữa.

Phạm Xuân Ẩn cố tìm lời an ủi Diane bằng cách nói rằng ông sẽ làm tất cả mọi điều có thể để giúp đỡ, nhưng trong lòng thì ông cũng nghĩ rằng bạn mình có thể không còn nữa. Chính vì thế mà ông thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn.

Lúc nào người ta cũng thấy ông Ẩn dắt theo con chó King. Khi ông viết báo cáo mật và chụp các tài liệu mật thì con chó này cũng đứng nhìn ông (ảnh trong Bộ sưu tập cá nhân của Phạm Xuân Ẩn)

Nếu Anson trước đó từ chức thì anh đã không phải sang Campuchia. Phạm Xuân Ẩn hứa với Diane rằng ông sẽ tiếp tục kiểm tra các nguồn tin. Ông cũng không ngăn cản việc Diane dán hình Anson với những lời tìm kiếm bằng 3 thứ tiếng lên những cây cổ thụ dọc các đường phố mà Bob thường qua lại trước khi anh mất tích.

Sau khi Diane và hai đứa nhỏ rời văn phòng của ông, Phạm Xuân Ẩn suy nghĩ mông lung về người bạn Bob Anson của mình. Ông biết rõ những điều cần làm, nếu không cẩn thận có thể làm hỏng sứ mệnh của mình. Nhà tình báo hàng dầu của Hà Nội ở Sài Gòn chấp nhận rủi ro bị lộ tẩy để cứu mạng sống cho một phóng viên người Mỹ. Ông biết rằng nếu Bob Anson chết, người Việt Nam cũng mất đi một người bạn chân chính. Trong lòng ngập tràn trách nhiệm nặng nề về sự mất tích của Anson, Phạm Xuân Ẩn quyết tâm tìm bằng được câu trả lời về việc Anson còn sống hay đã chết.

Việt Nam và Campuchia từ lâu từng là những người láng giềng không thân thiện của nhau. Tình hình trở nên xấu hơn kể từ tháng 3/1970 khi tướng Lon Nol lật đổ Hoàng thân Sihanouk để lập nên một chính phủ quân sự do chính Lon Nol đứng đầu.

Sihanouk vốn là người trung lập, nhưng đành phải nhượng bộ để làm hài lòng cả phe Cộng sản lẫn phe không Cộng sản. Sihanouk cho phép Mỹ bí mật ném bom Việt Cộng, nhưng lại cung cấp nơi trú ẩn ngay trong lãnh thổ Campuchia cho Bắc Việt Nam. Ông ta còn cho phép cộng sản Việt Nam sử dụng hải cảng Sihanoukville của Campuchia để vận chuyển tiếp viện cho đội quân của họ đang đóng ở những "vùng đất thánh".

Chỉ một tháng sau cuộc đảo chính quân sự, Lon Nol tổ chức một cuộc thanh trừng sắc tộc đối với những người dân tộc thiểu số Việt Nam sinh sống tại Campuchia. Phóng viên Sydney Chanberg của tờ New York Times đã chứng kiến quân đội của Lon Nol giết hai người bị tình nghi là Việt Cộng rồi đem treo ngược đầu thi thể bị cháy sém của họ tại một quảng trường ở trung tâm thành phố. Làm như vậy, Lon Nol nhằm đưa ra một thông điệp răn đe cho tất cả những ai còn đang cân nhắc việc giúp đỡ Cộng sản. Chứng kiến cảnh này, một đồng nghiệp của Sydney Chanberg làm việc cho Tạp chí Time là Henry Kamm liền nói với viên chỉ huy Campuchia rằng hành xử với các tử thi như vậy là vi phạm Công ước Geneva. Viên chỉ huy chỉ cười. Một viên tướng tên là Sosthene Fernandez người Campuchia gốc Philippines sau này leo lên đến chức tư lệnh các lực lượng vũ trang bắt đầu sử dụng những thường dân trong nhóm người dân tộc Việt thiểu số làm bia đỡ đạn cho quân đội Campuchia mỗi khi họ mở những đợt tấn công vào trận địa của Việt Cộng. Viên tướng này nói:

- Đó là một kiểu chiến tranh tâm lý mới.

Chính quyền Nixon luôn lo ngại rằng nếu Campuchia trở thành một căn cứ của Cộng sản Việt Nam, công cuộc Việt Nam hoá chiến tranh có thể sẽ thất bại. Ngày 30/4/1970, Richard Nixon tuyên bố 6.000 lính quân đội Việt Nam Cộng hoà được sự hỗ trợ của các máy bay ném bom, trọng pháo và các cố vấn Mỹ đã xâm lược khu vực Mỏ Vẹt - một khu rừng già rậm rạp ở vùng đông nam Campuchia, kéo dài xuống miền Nam Việt Nam. Đây là nơi được đồn đại là đại bản doanh của Trung ương Cục miền Nam. Cuộc hành quân này là một nỗ lực nhằm làm trung lập hoá việc Bắc Việt Nam sử dụng lãnh thổ Campuchia. Trong bài phát biểu với dân chúng Mỹ, Nixon công bố.

- Đêm nay, các đơn vị quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hoà sẽ tấn công các tổng hành dinh nơi chỉ huy toàn bộ hoạt động quân sự của Cộng sản ở miền Nam Việt Nam. Việc vùng đất trung tâm kiểm soát chủ chốt này bị Bắc Việt và Việt Cộng chiếm đóng trong 5 năm qua là một sự vi phạm trắng trợn nền trung lập của Campuchia.

Chỉ một năm trước đó thôi, Tổng thống Nixon đã từng hứa sẽ kết thúc sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam. Thế mà nay ông ta lại mở rộng cuộc chiến sang cả nước láng giềng Campuchia.

Một ngày sau khi Nixon phát biểu trước quốc dân Mỹ, Phạm Xuân Ẩn gửi cho Anson một bịch tài liệu, trong đó có bản dịch sang tiếng Anh một tập tài liệu thu được của Việt Cộng. Đây là loại tài liệu mà các phóng viên dễ dàng tiếp cận, nhưng Phạm Xuân Ẩn cung cấp thêm cả lời bình luận cho đồng nghiệp của mình - người vừa mới trở về Sài Gòn nghỉ cuối tuần.

Tập tài liệu này là một kế hoạch trận đánh tháng 7/1969 thu được tháng 10/1969, trong đó Bắc Việt dự đoán rằng với sự thất bại của kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh, Nixon có thể chuyển hướng chú ý sang Campuchia. Phạm Xuân Ẩn khoanh tròn một đoạn trong tài liệu và gạch chân câu cuối cùng viết ngang trang giấy:

"Bọn Mỹ chết tiệt. Chúng bay đọc mà chẳng bao giờ chịu học".

Đoạn văn bản trong tài liệu mà Phạm Xuân Ẩn khoanh tròn gửi cho Anson viết: "Nếu các cuộc tấn công của ta trên tất cả các mặt mà không đủ hiệu quả; nếu tạm thời Mỹ có khả năng vượt qua một phần khó khăn, chúng sẽ cố gắng kéo dài cuộc chiến tranh ở Nam Việt Nam thêm một thời gian nhất định nữa. Trong thời gian đó, chúng sẽ xuống thang ở một số mặt và thực hiện phi Mỹ hoá chiến tranh kéo dài đến khi chúng phải thừa nhận thất bại và chấp nhận một giải pháp chính trị. Trong cả hai trường hợp này, đặc biệt là trong trường hợp phải xuống thang kéo dài, trong những hoàn cảnh nhất định, Mỹ có thể gây áp lực đối với chúng ta bằng cách đe doạ mở rộng cuộc chiến tranh sang Campuchia".

Cuộc hành quân sang Campuchia đã gây ra sự hoảng sợ đối với những người dân tộc thiểu số Việt đang sinh sống ở đây. Chính phủ Lon Nol bắt đầu khơi dậy cơn sốt chống Việt Nam. Theo đó, một trong những chiến dịch thanh trừng sắc tộc của Lon Nol đã diễn ra tại thị xã Takeo - nơi nổi tiếng là một căn cứ của Cộng sản. Tại đây, thường xảy ra những cuộc phản đối chống chế độ Lon Nol. Hơn hai trăm thường dân, trong đó có nhiều trẻ em bị phía Campuchia xác định là Việt Cộng, đã bị vây ráp và bắt giam giữ trong một trại tập trung ở Takeo. Ba tiểu đoàn lính dù Campuchia được huy động canh gác những người Việt này. Anson khi đó được phái sang Campuchia để viết bài vế sự kiện nói trên. Cứ mỗi sáng Anson cùng với người cộng tác viên của anh là Tim Allman lái xe hơi từ Phnôm Pênh đi Takeo để kiểm đếm số lượng những người Việt bị giam giữ. Một thời gian sau, vào một đêm lính Campuchia xả súng vào tất cả những người Việt Nam này. Đó là một vụ thảm sát. Sáng hông sau, khi Anson và Allman lái chiếc xe Ford Cortina màu trắng mà các anh thuê chạy đến nơi thì đã thấy những thi thể, người nọ nằm đè lên người kia giữa một vũng máu lớn.

Anson nhớ lại:

"Lúc đầu tôi cứ nghĩ tất cả họ đã chết. Nhưng khi bước lại gần hơn, tôi nhìn thấy một vài người cử động đồng thời nghe thấy những tiếng kêu rên. Tôi đếm nhanh thấy khoảng hơn hai chục người đàn ông và một bé trai còn sống đang nằm giữa đống thi thể nhiều gấp ba lần họ. Ngoài những tiếng rên và tiếng ruồi nhặng bay vo ve, xung quanh hoàn toàn vắng lặng. Một ông già bị bắn gẫy chân cố gắng nói với chúng tôi rằng:

- Chúng nó bảo chúng tôi là Việt Cộng, thực tế chúng tôi chỉ là những người bán hàng. Các ông hãy đưa chúng tôi ra khỏi đây ngay, nếu không đêm nay, chúng quay lại sẽ giết chết hết những người còn sống sót trong chúng tôi. Xin các ông hãy đưa chúng tôi ra khỏi đây".

Anson quỳ xuống gần một bé trai chừng tám tuổi.

"Khuôn mặt cậu bé trắng bệch như phấn. Tôi đặt bàn tay lên ngực bé thấy còn nhịp thở phập phồng. Vạch mảnh trong quấn quanh người bé lên, tôi nhìn thấy một vệt dài năm sáu lỗ đạn xuyên từ hông đến mắt cá chân bé".

Anson và Allman quyết định chở chú bé tới bệnh viện ở Phnôm Pênh, đồng thời gọi thêm các phóng viên khác tới đưa những người bị thương đi, nếu không, lính Campuchia trở lại sẽ giết hết những người còn sống sót. Anson và Allman xếp những người bị thương càng nhiều càng tốt vào xe hơi rồi chở họ về Phnôm Pênh. Một bệnh viện của Pháp tại Phnôm Pênh đã chấp nhận chữa cho chú bé bị thương. Allman nán lại bệnh viện để trông coi đứa trẻ và hứa sẽ trở lại Takeo ngay sau khi biết chắc vết thương của bé có thể chữa khỏi. Anson chạy thẳng về khách sạn để gặp đoàn phóng viên mới tới. Anh hét to:

- Xuống Takeo ngay. Người ta đang bắn giết người Việt Nam. Gọi cả những nhà báo khác nữa.

Henry Kamm của báo New York Times và Kevin Buckley của Tạp chí Newsweek đề nghị được lái xe chở Anson tới Takeo. Đúng lúc các nhà báo đến nơi, một tốp lính Campuchia đã quay lại. Một tên có vẻ là chỉ huy nói:

- Chúng tôi chẳng có gì phải giấu giếm. Chúng tôi chỉ thực hiện cái điều cần phải làm thôi. Tất cả bọn chúng đều là Việt Cộng.

Anson hỏi gần đây có bệnh viện nào không? Tên lính trả lời:

- Có. Nhưng không phải để cho những người này.

Anson yêu cầu phải ngừng ngay việc giết trẻ em vô tội. Nhóm lính Campuchia phá lên cười, nói rằng chúng chỉ giết Việt Cộng thôi.

Trời tối dần. Allman lái chiếc xe Cortina chở đầy các nhà báo trở lại để viết bài về vụ thảm sát. Anson yêu cầu mỗi nhà báo mang một cháu bé về Phnôm Pênh, nhưng Keyes Beech, một phóng viên cao cấp được kính nể, từng đoạt giải thưởng Pulitzer về đưa tin quốc tế năm 1951 nói:

- Đừng dính vào việc này. Nếu chúng ta mang những người này đi theo tức là đã can dự vào rồi. Đó không phải là việc của chúng ta.

Anson chẳng tìm được ai giúp sức đưa đứa trẻ đi cấp cứu. Mãi một lúc sau chỉ có mỗi Kenvin Buckley tới nói muốn giúp một tay. Anson nhớ lại:

"Các phóng viên khác chỉ đứng nhìn chúng tôi một lúc rồi lần lượt bỏ đi. Buckley, Anson, và Allman nhồi nhét được năm đứa trẻ và ba người lớn vào chiếc xe Cortina. Allman lái xe chở họ đi bệnh viện và hứa sẽ quay trở lại vào rạng sáng mai. Tại đó vẫn còn nhiều người còn sống. Anson hiểu rằng nếu để mặc họ nơi đây sẽ không an toàn cho tính mạng của họ. Những người Việt Nam này cần được bảo vệ và trông coi.

Kevin Buckley tình nguyện ở lại cùng với Anson, "Đã thương thì thương cho chót".

Đêm đến, đám lính Campuchia chuẩn bị cuộc thảm sát cuối cùng của chúng. Anson bắt đầu sợ, linh cảm thấy sự có mặt của hai nhà báo Mỹ cũng không thể ngăn cản được những người Campuchia. Đúng lúc đó, có tiếng xe hơi đang đến gần. Thì ra đó là xe của Bernard Kalb, phóng viên của hãng CBS cùng cả nhóm làm phim từ Phnôm Pênh lên để chở vài người bạn ra khỏi Takeo. Nhận ra hai đồng nghiệp, Bernard Kalb nói:

- Các cậu cho rằng đứng đây là có thể ngăn chặn được đám lính Campuchia hành quyết những người đó sao? Nếu chúng đã có ý định giết những người Việt này, thì chúng sẽ giết họ thôi. Và khi đó thì cả các cậu cũng không thoát.

Anson không muốn đi, nói rằng anh không nỡ bỏ mặc những đứa trẻ Việt Nam ở lại. Bernard Kalb liền đặt bàn tay hộ pháp của anh lên vai Anson có vẻ như để an ủi động viên đồng nghiệp. Nhưng không, bàn tay của người khổng lồ đã túm chặt lấy cổ Anson rồi cùng với các phóng viên truyền hình khiêng Anson ấn vào xe hơi.

Henry Kamm - người sau này được nhận giải thưởng Pulitzer về loạt bài anh viết về những thuyền nhân Việt Nam và những người di tản từ Campuchia và Lào - đã có bài đăng trên trang nhất báo New York Times về vụ thảm sát người Việt Nam ở Campuchia. Trong đó, anh nêu rõ nhà báo Anson đứng đầu một nhóm người tìm cách cứu Việt Cộng. Những bài báo viết về vụ thảm sát nói trên đã làm dấy lên sự căm phẫn ở Sài Gòn, đặc biệt là trong đám phi công quân lực Việt Nam Cộng hoà. Những phi công này thường vẫn tổ chức những đợt tấn công vào các vị trí của Bắc Việt ở Campuchia. Giờ đây họ sôi sục đi bắn phá và dội bom xuống các làng mạc Campuchia để trả đũa vụ thảm sát.

Bob Anson sòn sống, nhưng suýt nữa thì bị giết chết. Theo lời kể của Anson thì anh bị quân đội Bắc Việt Nam bắt sống tại địa điểm bên kia một con sông trên đất Campuchia cách thị trấn Skoun vài kilômet do anh không để ý đến hai hoặc ba trạm gác trên đường.

Sau này, Phạm Xuân Ẩn nói với tôi:

- Anson rất thiếu thận trọng. Ông ấy luôn lái xe chạy quá nhanh. Đối với người đàn ông có một gia đình trẻ mà như vậy là quá liều lĩnh.

Điều kiện hoạt động nghiệp vụ của các phóng viên chiến trường ở Campuchia và Việt Nam khác nhau rất nhiều. Tại Việt Nam, các phóng viên được đi cùng với xe quân sự của Mỹ hoặc của quân đội Việt Nam Cộng hoà và thường được lính vũ trang che chắn, giúp đỡ. Trong khi đó, tại Campuchia, các phóng viên phải thuê xe giống như loại Ford Cortina hoặc Mercedes chạy bằng dầu diesel để tự lái và chẳng có sự hỗ trợ nào của quân đội. Nếu xe mà chết máy giữa đường thì phóng viên bị mắc kẹt và sẽ chẳng có ai đến cứu. Do vậy, điều đầu tiên cần chú ý khi đi lấy tin ở Campuchia là phải làm sao để tới được vùng chiến sự sau đó trở về mà không bị bắn hoặc bị bắt sống. Nhà báo phải tự lái xe từ Phnôm Pênh xuống vùng chiến sự. Dọc đường vắng tanh không hề có an ninh bảo vệ. Nhiều khi đến nơi rồi mà phóng viên cũng chả biết phải làm gì.

Sau khi bị bắt, Anson bị người ta tống xuống một cái hố có sẵn, ấn vào tay một dụng cụ đào công sự và bị yêu cầu phải đào cho sâu hơn. Anson cảm thấy như anh đang tự đào hố chôn mình. Hy vọng chỉ bị bắn vào ngực chứ không phải vào đầu, Anson cầu mong cho thi thể của anh sẽ được tìm thấy. Anson nghĩ về Diane:

- Cô ấy là một phụ nữ còn trẻ sống xa nhà, không có chút kỹ năng chợ búa nào, lại còn có hai con nhỏ… Lạy Chúa, con thật có lỗi vì những gì đã làm đối với mẹ con cô ấy.

Anson cũng nghĩ tới những người đồng nghiệp bị mất tích San Flynn và Dana Stone; Anson lầm rầm cầu nguyện câu lạy Đức Mẹ đồng trinh. Rồi anh bị ra lệnh lên đứng bên miệng hố. Một họng súng AK dí vào trán anh. Tiếng kim loại của khoá cò súng kêu đánh rạch. Vì quá hoảng sợ, nước tiểu chảy thành dòng từ lúc nào theo ống quần ướt xuống chân anh. Anson kêu lên những lời cuối cùng bằng tiếng Việt:

- Hoà bình, hoà bình.

Có ai đáp lại cũng bằng một từ tiếng Việt:

- Hoà bình, - tiếp đó là một sự im lặng. Hôm ấy Anson đã không bị giết.

Những ngày tiếp sau đó là quãng thời gian đầy sợ hãi đối với Anson. Những người đã bắt anh không tin rằng anh là nhà báo. Họ nghĩ anh là một phi công Mỹ bị bắn rơi. Anson mang theo mình một cuốn sổ tay của phóng viên trong đó có đoạn anh ghi chép nội dung một cuộc phỏng vấn cách đó không lâu với một lính mũ nồi xanh. Anh đã ghi bằng chữ viết hoa "USAF" (Không lực Hoa Kỳ - ND) để xác định những vị trí mà Mỹ đã ném bom xuống Campuchia. Đối với những người đã bắt Anson, thì những chữ viết hoa này là dễ hiểu nhất. Những ngày và đêm tiếp theo, Anson bị dẫn giải đi. Khi thì phải đi bộ, lúc thì chạy xuyên qua những địa hình rừng già dọc đường mòn Hồ Chí Minh trong tư thế tay bị trói. Anh nghĩ chắc những người lính Bắc Việt đang dẫn giải anh ra Hà Nội để nhốt chung với những phi công khác tại "Khách sạn Hilton" (Nhà tù Hoả Lò - Hà Nội, nơi giam giữ phi công Mỹ bị bắt giữ trong những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc - NXB) nếu anh còn sống được đến lúc đó.

Cuộc đi bộ bắt buộc đã dẫn Anson đến một ngôi làng nhỏ. Tại đây, Anson bị một người sĩ quan nói được tiếng Anh thẩm vấn. Anson bị yêu cầu phải khai mọi chi tiết về đời sống cá nhân và nghề nghiệp, không được che giấu điều gì. Anson bắt đầu khai ra hàng loạt thông tin về hoàn cảnh cá nhân, lai lịch gia đình, học vấn. Bỗng người sĩ quan thẩm vấn nêu câu hỏi về tên con gái của Anson là Christian Kennedy Anson có phải đã được đặt theo tên của John Kennedy - Tổng thống Mỹ từng là người đầu tiên đưa quân vào Việt Nam hay không? Anson đáp lại một cách rành rọt:

- Không. Tên cháu được đặt theo tên của Robert Kennedy là người muốn chấm dứt chiến tranh.

Anson tự giới thiệu mình là phóng viên của Tạp chí Time, không phải là lính chiến. Đồng thời, anh trình ra những thông tin về các mối liên hệ của anh có thể kiểm chứng được. Bỗng người sĩ quan thẩm vấn reo lên:

- A! Time là một ấn phẩm rất quan trọng của Mỹ. Nhưng có lẽ không quan trọng bằng New York Times, nhưng lại quan trọng hơn Tạp chí Newsweek. Đúng không?

Anson đáp:

- Vâng, đúng - và mỉm cười, tưởng tượng đến phản ứng của Arnaud (de Borchgrave) nếu anh có cơ hội để kể chuyện này cho ông ấy nghe.

 

Theo nguồn "Điệp viên hoàn hảo" của Giáo sư Larry Berman

( Còn nữa)

Trái Tim Người Lính

Bạn đang đọc bài viết "Điệp viên anh hùng Phạm Xuân Ẩn (kỳ 3)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn