Điệp viên Anh hùng Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 19)

16/05/2022 17:29

Theo dõi trên

Phạm Xuân Ẩn có được tư duy như vậy là do ông nắm bắt được tâm tư của người bạn ông, tướng Trần Văn Đôn của Quân đội Việt Nam Cộng hoà cùng một số người khác. Phạm Xuân Ẩn nhớ lại.

"Tôi có thể nói rằng tinh thần của Quân đội Việt Nam Cộng hoà sau Tết Mậu Thân xuống rất thấp. Người ta bắt đầu đặt ra hàng loạt câu hỏi về việc liệu Mỹ có rời bỏ Nam Việt Nam hay không. Thật buồn cười, tôi nhớ rất rõ là sau Tết Mậu Thân, tướng Trần Văn Đôn trở nên lo sợ rằng người Mỹ sẽ phải sớm rút đi vì áp lực của dư luận ở Hoa Kỳ. Trần Văn Đôn đến gặp tôi và tôi đã làm cho ông ta yên lòng bằng những thông tin giống như tôi đã gửi vào trong rừng rằng:

- Đừng lo, các ông đã giành được thắng lợi về mặt quân sự trong trận Tổng tấn công này. Rất nhiều người đã bị chết và sẽ không còn nổi dậy đồng loạt nữa. Người Mỹ sẽ không đi đâu. Tôi đảm bảo rằng họ sẽ ở lại trong nhiều năm, nhiều năm nữa.

pham-xuan-an-dip-vien-1652696893.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Tôi cũng đã báo cáo với cấp trên của tôi cùng nội dung như vậy. Chỉ có điều, trong báo cáo gửi cho cấp trên, tôi thêm phần đánh giá về yếu tố tâm lý, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng dư luận ở Mỹ sẽ giúp chúng ta về lâu dài".

Khi cuộc phỏng vấn của tôi với ông Tư Cang sắp kết thúc, ông Tư Cang nói với tôi rằng:

- Phạm Xuân Ẩn đã thực sự đóng góp vào những sự thay đổi lớn lao bắt nguồn từ kết quả của cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Chẳng bao lâu sau, tướng Westmoreland bị thay thế, Tổng thống Lyndon Johnson phải về vườn và Hoa Kỳ phải bắt đầu các cuộc đàm phán hoà bình.

Tất cả những điều này đang thay đổi theo hướng có lợi cho phía chúng tôi. Phạm Xuân Ẩn đã góp phần vào việc lần ra manh mối về toàn bộ kế hoạch chiến tranh của Mỹ. Những báo cáo của Phạm Xuân Ẩn là một chìa khoá để hiểu việc Johnson phải đi tới Paris tìm kiếm hoà bình.

Làn sóng thứ hai về loạt tấn công có kế hoạch gần gũi với cuộc Tổng tấn công và nổi dậy bắt đầu từ ngày 4/5/1968 bằng hàng loạt cuộc tấn công vào 119 cơ sở, thị trấn, thị xã và thành phố miền Nam. Các đơn vị đặc công và trọng pháo hạng nặng đánh vào các mục tiêu như Dinh Tổng thống, nhà riêng của Đại sứ Mỹ, Văn phòng Đại sứ quán Mỹ. William Touhy viết:

"Chính phủ đã có một thời kỳ rất khó khăn trong tháng năm mà không nhổ được hết rễ của Việt Cộng. Việt Cộng đã cắm được một lá cờ của họ trên cầu chữ Y. Sở dĩ gọi tên cầu như vậy là vì đoạn giữa cây cầu được tách ra làm đôi bắc qua một con kênh ranh giới phía nam của Chợ Lớn".

Loạt tấn công này được gọi là Tết Mậu Thân lần thứ hai, cũng có đặc điểm là đột nhập thành công vào khu vực Chợ Lớn. Tại đây, trong ngày đầu tiên của trận đánh, bốn nhà báo của Reuters và Tạp chí Time bị Việt Cộng bắn chết. Một người bạn của Phạm Xuân Ẩn là phóng viên Tạp chí Time John Cantwell đã thiệt mạng cùng với Michael Birch của Hãng tin Australia AAP, Ronald Laramy của Reuters, và Bruce Pigott - trợ lý của Trưởng phân xã Reuters tại Sài Gòn. Nhóm phóng viên này đang ngồi trên xe Jeep thì nhìn thấy một cột khói từ phía Chợ Lớn bốc lên. Họ nhằm hướng cột khói để tiến lên thì gặp một dòng người đang chạy trốn Việt Cộng theo hướng ngược lại. Các phóng viên trong xe Jeep tiếp tục tiến lên, không thèm để ý gì đến những lời cảnh báo cho đến khi xe của họ tiến đến một giao lộ trống rỗng cũng là lúc đám nhà báo đối mặt với một đơn vị vũ trang Việt Cộng. Lúc đó, Cantwell đang cầm lái cố tìm cách cho chiếc Jeep quay đầu nhưng đã quá muộn. Một chỉ huy của Việt Cộng bước lại gần chiếc xe Jeep. Birch kêu to lên bằng tiếng Việt từ "Báo chí". Người chỉ huy Việt Cộng đáp lại hai từ "Báo chí" một cách hoài nghi, rồi nổ ba phát đạn 0.45 mm.

Khi tôi hỏi về những cái chết này, về vụ ông Tư Cang giết người Mỹ, về cái chết của những người Mỹ và người Nam Việt Nam trong các trận tấn công hồi Tết Mậu Thân, cũng như những lời mà đơn vị tình báo cụm H.63 của ông từng khoe đã giết chết được nhiều lính Mỹ, Phạm Xuân Ẩn quả quyết rằng chưa bao giờ có ai từng nhìn thấy ông làm đau một người nào. Khi tôi bảo với Phạm Xuân Ẩn rằng những chuyện này là có thật và người ta đã bị chết, ông đáp:

- Đây là "những thương vong của chiến tranh".

Tôi cố dồn ép tiếp thì Phạm Xuân Ẩn chọn cách gạt bỏ các câu hỏi của tôi, coi đó là quá đà và lạc đề. Ông nói hơn một lần rằng:

- Đây là những người bạn của tôi, tôi không làm đau họ, nhưng trong chiến tranh những điều khủng khiếp đã xảy ra đối với nhiều người dân vô tội. Tôi đang bảo vệ đất nước tôi.

Sau đó, Phạm Xuân Ẩn bảo tôi đến hỏi Rufus Phillips về cái ngày họ cùng nhau đến thăm nơi tàn sát rất nhiều người vô tội trong vùng thuộc chương trình hợp tác "vành đai thép" của Westmoreland. Chương trình này được thiết kế năm 1964 là một phần trong các nỗ lực bình định của MACV. Westmoreland viết trong cuốn hồi ký của ông mang tựa đề “Tường trình người lính” như sau:

"Chương trình hợp tác vành đai thép được thiết kế nhằm mở rộng an ninh, sự kiểm soát của chính phủ và dịch vụ - bình định - dần dần từ Sài Gòn sẽ mở rộng ra sáu tỉnh, tạo thành hình cổ ngựa gần thành phố. Khi các lực lượng lớn hơn của đối phương bị dần dần đẩy ra xa thành phố, các cuộc tuần tra và phục kích dầy đặc sẽ giúp tăng cường an ninh. Điều này tiếp tục cho đến khi nào nhiệm vụ này có thể được chuyển giao cho lực lượng dân phòng và một lực lượng cảnh sát mở rộng. Vì là những vùng an toàn, nên các cơ quan dân sự có thể được chuyển vào đây để được hường các dịch vụ và kiểm soát của chính phủ, mỗi cá nhân sẽ được cấp một thẻ căn cước, khu vực được cảnh sát canh gác cùng những dịch vụ khác như trường học, giếng khơi, trạm phát thuốc, chăm sóc y tế. Y tưởng này nhằm tạo ra một mức sống cao hơn nhiều so với khả năng cung cấp của Việt Cộng. Trên thực tế, ý tưởng này còn được gọi là khái niệm vết dầu loang".

Phạm Xuân Ẩn gặp may vì Westmoreland đã tạo ra một Hội đồng Hợp tác bao gồm sự phối hợp toàn diện của các cơ quan dân sự và quân sự. Nhiều tổ chức cử đại diện vào tham gia Hội đồng. Trong số những đại diện này có cả các mối quan hệ nguồn tin của Phạm Xuân Ẩn đang làm việc ở các cơ quan như Bộ Nội vụ, Cảnh sát Quốc gia, và cả Tổ chức Tình báo Trung ương miền Nam Việt Nam (CIO). Nhờ đó mà Phạm Xuân Ẩn có thể giúp Hà Nội cập nhật mọi thông tin liên quan đến các nỗ lực về bình định. Có lẽ đây chính là lý do mà ông Mai Chí Thọ xác định như là sự đóng góp to lớn nhất của Phạm Xuân Ẩn.

Phạm Xuân Ẩn đưa Phillips ra vùng ngoại ô Chợ Lớn, nơi đêm trước trong một cuộc phục kích, Việt Cộng đã tiêu diệt toàn bộ các lực lượng tự vệ.

Phililips nhớ lại:

"Khi chúng tôi tới đó, những người sống sót vẫn còn đang bị dồn vào trong cái pháo đài bé nhỏ này".

Cuộc tấn công diễn ra bên trong Vành đai thép của Chương trình Hợp tác. Điều đó chứng tỏ rằng, trong khu vực này cũng chẳng có an ninh. Đó là một vùng đất hoang. Ngày hôm sau, chuẩn tướng Fritz Freund cùng với Phạm Xuân Ẩn và Phillips trở lại thăm lần nữa mới thấy rõ thực tế ở đây rất thiếu một sự phối hợp về mặt quân sự. Sau này, Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng khu vực đó đã được Việt Cộng sử dụng như là nơi tập kết chung cho cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Chính Phạm Xuân Ẩn đã gợi ý cho việc sử dụng như vậy.

- Còn có nhiều nơi nữa tôi có thể dẫn Rufus tới, nhưng đây là nơi rất buồn, bởi vì người dân vô tội cũng bị giết hại. Tôi chỉ điều này cho tướng Rufus vì ông ấy cần biết rằng người vô tội cũng bị giết hại và như vậy thì các chương trình này làm gì có chuyện đảm bảo an ninh. - Phạm Xuân Ẩn nói.

Tôi cố trở lại vấn đề tôi muốn biết. Phạm Xuân Ẩn đã giúp đỡ ông Tư Cang vạch kế hoạch cho trận tấn công vào Dinh Tổng thống và ông Tư Cang, Chỉ huy trưởng Đơn vị Anh hùng H.63, từng được khen thưởng vì đã giết được người Mỹ hôm đó. Vậy ông Phạm Xuân Ẩn có cảm thấy mình phải chịu phần trách nhiệm nào không?

Phạm Xuân Ẩn trả lời:

- Không, không có điều như ý của giáo sư đâu. Tôi đã chỉ cho ông Tư Cang những nơi dễ tấn công nhất. Đó là nhiệm vụ của tôi. Tôi không có vũ khí và mọi người đều biết tôi chẳng có thể bắn được ai.

Tôi không thể đi xa hơn vấn đề này nữa với Phạm Xuân Ẩn, vì tôi biết ông vẫn còn cảm thấy đau đớn bởi lá thư của một đồng nghiệp Tạp chí Time trước đây tên là Zalin Grant viết năm 2005 gửi cho tờ New Yorker. Trong lá thư này, Zalin Grant đã buộc tội Phạm Xuân Ẩn thế này:

"Trong khi làm gián điệp cho Bắc Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn đã biến các phóng viên của Tạp chí Time thành một mạng lưới tình báo không cố ý cho Hà Nội. Tạp chí Time có các nguồn tin cao cấp thường cung cấp những thông tin mật với điều kiện phải được giữ kín và chỉ được sử dụng để hiểu bối cảnh. Nội dung của các cuộc thông báo tin tức bí mật được lưu hành nội bộ trong một ấn phẩm gọi là sổ tay Tạp chí Time. Sổ tay này được coi là nhạy cảm đến mức, số lượng in cũng chỉ rất hạn chế. Sau khi các trưởng ban biên tập đọc xong phải gửi trả lại. Sổ tay Tạp chí Time đăng nhiều chuyện tầm phào vô dụng, nhưng đồng thời cũng có những thông tin giá trị như vàng. Đó là những báo cáo của người trong cuộc từ Nhà Trắng, từ Bộ Ngoại giao, và từ Lầu Năm Góc. Cuốn sổ tay này được lưu hành đến các phân xã của Tạp chí Time trên khắp thế giới cùng với những điều kiện thận trọng về bảo mật như ở tổng xã. Với tư cách phóng viên Tạp chí Time, Phạm Xuân Ẩn đã tiếp cận được tài liệu này. Tôi thường thấy Phạm Xuân Ẩn ghi chép từ các báo cáo mật của phân xã trưởng Tạp chí Time ở Sài Gòn. Những báo cáo này bao gồm cả nội dung các buổi thông báo tin tức của các tướng lĩnh như William Westmoreland và Creighton Abrams và các Đại sứ Henry Cabot Lodge và Ellsworth Bunker đề cập đến những cuộc hành quân bí mật và chiến lược dự kiến cho các tuần trong tương lai. Sau đó, Phạm Xuân Ẩn có thể đột nhiên biến mất không dặn lại một lời nào, rất có thể để thông báo cho các đồng chí của ông trong các địa đạo ở Củ Chi. Tôi đã thường hỏi các nhà báo Mỹ, những người vẫn khăng khăng cho rằng Phạm Xuân Ẩn vắng mặt là đi tìm sự lãng mạn. Việc chống chiến tranh Việt Nam là một chuyện - nhiều người trong chúng ta đều chống chiến tranh - nhưng bày tỏ sự khâm phục vô điều kiện đối với một người đã từng dành phần lớn cuộc đời mình giả vờ làm nhà báo để đi giúp cho việc giết người Mỹ thì lại là một chuyện khác".

Frank McCulloch rất thất vọng về những lời buộc tội nói trên đối với Phạm Xuân Ẩn đến mức ông phải viết một bài về quan điểm riêng của mình để gửi cho báo New Yorker.

Bài của McCulloch không được toà báo cho đăng tải, nhưng tác giả đã gửi cho tôi một copy như sau:

"Việc trước đây và hiện nay tôi vẫn tôn trọng Phạm Xuân Ẩn không có liên quan gì đến việc ông ấy là một người Cộng sản và tất cả những gì thuộc sự toàn vẹn của ông, nghề tình báo của ông và tình yêu nước cháy bỏng của ông… Nhất định là tôi không có lý do gì để nghi ngờ ông và không hề biết gì cho đến khi vai trò tình báo cộng sản của ông chấm dứt sau chiến tranh. Ngày đó, tôi đã cho qua và hiện nay tôi vẫn cho qua vì hai lý do:

Một là, những bài viết của Phạm Xuân Ẩn chưa bao giờ gợn lên điều gì trùng hợp với quan điểm của cộng sản - và tôi tha thiết mong rằng những hồ sơ cũ được thanh tra để kiểm chứng điều đó.

Hai là, bây giờ giả thiết ngược lại rằng không phải Mỹ đưa nửa triệu quân vào Việt Nam nữa, mà là hơn nửa triệu lính Việt Nam đổ dồn về một khu vực rộng bằng California - một bang của Mỹ có diện tích tương đương Việt Nam - và chúng ta không tin cái lý do họ đưa ra về sự có mặt của họ ở đó chúng ta sẽ phản ứng thế nào? Đó là đất nước của ông ấy chứ không phải là đất nước của chúng ta, nhưng mỗi một sai lầm đều khiến chúng ta phải trả giá đắt. Trước đây tôi đã không, và hiện nay vẫn không tán thành hệ tư tưởng của ông Phạm Xuân Ẩn, nhưng tôi từ chối thay đổi niềm tin của mình rằng Phạm Xuân Ẩn có toàn quyền giữ hệ tư tưởng của ông".

Liên quan đến ấn phẩm sổ tay bí ẩn của Tạp chí Time, "đó chính là ấn phẩm thư Washington hàng tuần do phân xã Washington ấn hành để cung cấp thông tin, để hướng dẫn và làm tiêu khiển của các trưởng ban biên tập của Tạp chí Time. Tôi không nhớ rõ tại Sài Gòn chúng tôi đã nhận được bao nhiêu bản tài liệu đó nhưng nếu chúng tôi nhận được ít thì chẳng qua chỉ là tổng xã không có đủ số bản để cung cấp cho khắp nơi mà thôi. Khoảng 90% nội dung ấn phẩm này sau đó được in trong Tạp chí Time. Do vậy, nếu có chi tiết nào giá trị về cộng sản ở trong đó mà người ta muốn biết, thì người ta chỉ đơn giản là đặt mua ấn phẩm đó. Nói một cách hoàn toàn thẳng thắn và chân thực về điều này là sở dĩ chúng tôi phải thận trọng về mặt phát hành, chẳng qua chỉ là vì chúng tôi không muốn người của Newsweek trông thấy mà thôi".

Tiếp theo cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, Phạm Xuân Ẩn nói với tôi ông ấy bị CIA tiếp cận mời làm việc cai quản một trại chăn nuôi bò thịt và bò sữa ở Tây Ninh, giữa chiến khu B và vùng C vốn được biết đến như là một vùng thâm nhập của Việt Cộng. Nếu chấp nhận, Phạm Xuân Ẩn sẽ đóng vai một quí ông nông dân, trách nhiệm trong chăn nuôi bò của ông là trông coi công nhân và viết báo cáo. Phạm Xuân Ẩn rất lo về lời mời này, bởi vì nếu chấp nhận, ông sẽ phải rời bỏ Tạp chí Time và trở thành một điệp viên hai mang, một nghề mà ông không thích làm. Người ta nói là ông khước từ lời mời của CIA để trở về với chúng tôi. Điều này có nghĩa là Phạm Xuân Ẩn đã có lối thoát. Phạm Xuân Ẩn nói:

- Tôi quyết định không xin ý kiến cấp trên của mình về việc có nên chấp nhận lời mời hay không, bởi vì tôi không thích làm việc như một điệp viên hai mang.

Nghĩ rằng có lẽ Phạm Xuân Ẩn không thích làm một ông chủ trang trại chăn nuôi bò, nên lại chính nhân viên CIA đã từng tiếp cận ông trước đây nay tiếp tục đưa ra gợi ý rằng Phạm Xuân Ẩn mở một nhà máy đồ hộp ở Nha Trang và Vũng Tàu, cũng giống như đề nghị lần trước, mục đích là để giám sát các hoạt động nếu có của Việt Cộng. Nếu chấp nhận thì công việc của ông chỉ là quan sát hoạt động trong đám ngư dân cập cảng để bán cá. Vì lúc đó CIA đang cố gắng xác định xem những thuyền nào bị sử dụng để chuyên chở vũ khí thâm nhập miền Nam. Phạm Xuân Ẩn cũng nhanh chóng khước từ lời mời này.

Một lời mời gây tò mò khác do CIO đưa ra với ông Phạm Xuân Ẩn ngay sau khi ký kết Hiệp định Paris năm 1973. Biết rằng phái đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời (PRG) đang ở tại một khách sạn gần đó nay là Khách sạn Hyatt, CIO liền ấp ủ một kế hoạch đặt thiết bị điện tử nghe trộm tiệm cà phê Givral. CIO tin chắc sẽ thu được những thông tin quí giá từ các cuộc chuyện trò của các đại biểu của Chính phủ Cách mạng Lâm thời liên quan đến các kế hoạch thành lập "chính phủ liên hợp" của họ. Givral là tiệm cà phê của tư nhân, nên CIO muốn vợ ông Phạm Xuân Ẩn đứng ra mua lại tiệm cà phê Givral bằng tiền của CIO. Phạm Xuân Ẩn không muốn tham gia phần nào trong kế hoạch này, tuy nhiên việc đặt máy nghe trộm tiệm cà phê Givral vẫn được tiến hành. Theo đó, một phần của tiệm cà phê Givral sẽ được sửa chữa nâng cấp thành quầy kem và cà phê sữa nhằm che đậy mục đích thực sự là đặt thiết bị nghe trộm. Phạm Xuân Ẩn nói:

- Đó là cách dễ bị bắt. Chẳng ai có thể bảo vệ cho anh, mà anh phải biết tự bảo vệ cho mình.

Hầu hết các đồng nghiệp của tôi đều cho rằng, có những lúc này, lúc khác, Phạm Xuân Ẩn có thể cũng đã từng làm việc trong một số vai trò nào đó cho CIA.

Ông Richard Pyle, Trưởng phân xã Hãng tin AP tại Sài Gòn từ năm 1970-1973 nhớ lại rằng, hằng ngày từ chiếc bàn quen thuộc của Phạm Xuân Ẩn ở trong tiệm cà phê Givral,

"Phạm Xuân Ẩn chia sẻ các mẩu tin, những phân tích về tình hình chính trị rối rắm của Sài Gòn, cũng như bộ máy tổ chức của Phủ Tổng thống cho các thính giả là những môn đệ của ông đang chú ý lắng nghe, nuốt lấy từng lời. các môn đệ này của Phạm Xuân Ẩn chẳng phải ai khác là những phóng viên người Việt Nam làm việc cho các toà báo và hãng thông tấn nước ngoài. Rời tiệm cà phê Givral, họ trở về trụ sở toà báo của mình với những tin tức mới nhất từ người trong cuộc do "các nguồn tin" của họ cung cấp. Chẳng có chút bí mật nào về việc các thông tin đến từ đâu, nên đội quân báo chí thường trực hay nói đùa rằng bất cứ ai có liên hệ với Phạm Xuân Ẩn chắc phải là người của CIA".

Việc CIA có ý định tuyển mộ Phạm Xuân Ẩn là rất logic. Ai cũng biết trong các tổ chức công đoàn lao động thân chính phủ có đầy người của Cộng sản. Các tổ chức công đoàn lao động này là cái thùng chứa những người thâm nhập. Một nhân viên CIA hỏi Phạm Xuân Ẩn rằng ông có muốn làm việc dưới vai trò nguỵ trang là chuyên trách đưa tin về công đoàn hay không? Nếu đồng ý, chỉ cần ông để mắt tới những hoạt động đáng nghi vấn của Việt Cộng là đủ. Đổi lại, CIA sẽ cung cấp cho Phạm Xuân Ẩn những thông tin giật gân gây chấn động nhằm tạo điều kiện cho ông nâng cao uy tín của mình tại Tạp chí Time. Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng ông đã từ chối lời mời này của CIA, viện cớ rằng ông đã có những nguồn tin tốt rồi, nhưng thực tế là ông biết rõ làm công việc đó là quá nguy hiểm cho vỏ bọc của ông.

Phạm Xuân Ẩn hồi tưởng lại một quá trình dài ông tiếp xúc với các mối quan hệ CIA của mình. Bắt đầu là với Lansdale, sau đó lần lượt là với Conein, Phillips. Sau cuộc đảo chính bất thành năm 1960 nhằm lật đổ Ngô Đình Diệm, Trưởng đại diện CIA, William Colby đã khuyến nghị với bác sĩ Trần Kim Tuyến tạo ra một cơ quan tình báo trung ương của Nam Việt Nam. Trần Kim Tuyến chỉ mời những người nào mà ông ta biết chắc là ông ta trông cậy được vào nhóm hoạch định. Tất nhiên, Phạm Xuân Ẩn được mời làm một thành viên trong nhóm này. Phạm Xuân Ẩn nói:

- Mọi người trong CIO ai cũng nghĩ tôi là người của riêng họ. Nhưng họ thực sự là những nguồn tin tốt nhất của tôi.

Nhóm hoạch định này làm việc gắn bó với CIA trong quá trình tạo ra một tổ chức tình báo của miền Nam Việt Nam.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Phạm Xuân Ẩn phải đối mặt với nhiều câu hỏi về việc liệu trên thực tế ông có làm việc như một điệp viên hai mang hay không. Phạm Xuân Ẩn nói:

- Tôi rất may mắn, vì nếu tôi làm việc cho CIA, thì tôi sẽ gặp điều rắc rối rất lớn với các nhân viên an ninh. Tôi bị theo dõi rất chặt chẽ, vì tôi là người duy nhất trong suốt hai mươi ba năm không hề bị bắt lần nào và người ta muốn biết vì sao lại có thể như thế được? Người ta không thể kiểm tra được các mối quan hệ của tôi, vì tôi tự làm mọi việc cho mình. Tôi là một trường hợp đặc biệt, vì chẳng có ai ra lệnh cho tôi cả. Tôi chả có người chỉ đạo hàng ngày. Tôi chỉ viết báo cáo rồi gửi đi và cho đến ngày chiến tranh kết thúc, chẳng ai nói nửa lời về báo cáo của tôi, trừ trường hợp về trận Ấp Bắc. Sau chiến tranh, tôi đã viết tất cả mọi điều tôi đã làm trong một bản tường trình để được tuyên dương công trạng mà tôi sắp được nhận. Tôi đã viết như vậy, nhưng sau đó họ lại yêu cầu tôi viết thêm. Họ muốn biết tất cả mọi mối quan hệ của tôi. Họ muốn tôi nói rõ tên tuổi của các bạn bè của tôi, những người tôi đã cùng làm việc trong toàn bộ những năm tháng đó. Tôi đã từ chối. Tôi đã từng có quá nhiều bạn bè, những người luôn tin cậy tôi. Tôi cũng không bao giờ tiết lộ nguồn tin của mình. Sau đó họ nghĩ tôi có một người đỡ đầu, có thể là trong mạng lưới tình báo của Tưởng Giới Thạch giống như bạn tôi Francis Cow - Trưởng trung tâm tình báo ở Đông Nam Á - người thường đến thăm nhà tôi. Nghề của Francis Cow là nhổ tận rễ những người Cộng sản ở Chợ Lớn. Ông ta thường chia sẻ các thông tin với tôi và cũng muốn tôi làm việc cho ông.

Hai trường hợp điển hình nhất để chứng tỏ Phạm Xuân Ẩn khách quan rõ ràng đối với hai nghề song song của ông, đồng thời đánh bại mọi lời buộc tội về thông tin thất thiệt có thể thấy rõ nhất trong các cuộc tấn công mang bí danh Lam Sơn 719 và Phục sinh 1972.

Ngày 8/2/1971, 20.000 quân của quân đội Sài Gòn vượt biên giới sang vùng cán xoong của Lào để đánh phá đường mòn Hồ Chí Minh nhằm chặn đường tiếp tế vào miền Nam Việt Nam. Cuộc hành quân này mang bí danh "Lam Sơn 719". Lam Sơn là tên một làng quê nơi vua Lê Lợi được sinh ra. Hồi thế kỷ XV, vua Lê Lợi đã đánh bại sự xâm lược của nhà Minh. Mục tiêu trước mắt của cuộc hành quân Lam Sơn 719 là một thị trấn nhỏ của Lào mang tên Sêpôn, cách biên giới với Việt Nam khoảng 30 kilômét. Thị trấn này nằm kề Đường 9 và trên thực tế mọi nhánh của đường mòn Hồ Chí Minh đều đi qua vùng này.

Phạm Xuân Ẩn chuyển tiếp sự phân tích dự báo về hành động ở Lào là không nổi bật. Ông nói với tôi:

- Ai cũng hiểu biết về Lào từ trước, trừ những người phụ trách. Các mối quan hệ quân sự của tôi bao gồm cả một đại tá Quân đội Việt Nam Cộng hoà, lính dù, lực lượng đặc biệt. Tôi còn nhớ một hôm tôi gặp viên đại tá đó vừa ra khỏi Sài Gòn ít ngày. Nhìn mặt ông ta đen cháy, tôi đoán ông này vừa đi đâu về, bèn hỏi: "Cậu vừa đi câu cá ở Nam Lào về hả". Ông ta không trả lời chỉ cười, nên tôi hiểu đó là sự xác nhận. Tôi cảm thấy lo ngại bởi vì tôi biết điều gì đang chờ đợi tất cả họ. Tôi bảo với ông ta phải cẩn thận, rồi nhìn vào tấm bản đồ về sự hoạt động của Cộng sản. Tôi không thể phá hỏng các kế hoạch của phía bên kia, nhưng tôi muốn những người bạn của tôi phải cẩn thận.

Doug Pike chụp bức ảnh này gồm Blanche Cao, Myrna Pike đang dùng bữa trưa với Phạm Xuân Ẩn tại Thủ Đức cách Sài Gòn 15 km (ảnh được đăng với sự cho phép của Bộ phận Lưu trữ Việt Nam, Trường Đại học Texas Tech)

Một trong những điều tôi còn tiếc là lúc đó, tôi đã không hỏi Phạm Xuân Ẩn làm rõ về trận đánh này hoặc những căng thẳng trong con người ông khi biết những người bạn của mình đang bước vào một cái bẫy khủng khiếp. Đó là chiếc bẫy mà ông và những người khác góp phần tạo ra, nhưng ông lại không thể làm được gì khác ngoài câu nói "phải cẩn thận đấy". Tôi cứ tự hỏi liệu ngày đó Phạm Xuân Ẩn có những đêm mất ngủ không? Có cảm thấy ám ảnh về tinh thần trong cuộc đời mình hay không?

Việc vạch kế hoạch cho cuộc hành quân Lam Sơn 719 được bắt đầu từ tháng 11/1970. Khoảng tháng 1/1971 nhìn thấy được có sự gia tăng về các hoạt động quân sự nhằm chuẩn bị cho một hành động nào đó. Phạm Xuân Ẩn nhận được thông tin từ một trong số những nguồn tin của ông trong Quân đội Việt Nam Cộng hoà về việc lên kế hoạch cho một trận tấn công sắp diễn ra qua biên giới. Theo kế hoạch, trận tấn công này sẽ phải được bắt đầu trước mùa mưa nhằm làm gián đoạn việc sử dụng đường mòn Hồ Chí Minh trong một thời gian dài hơn nhiều so với sự gián đoạn bình thường của mùa mưa. Rechard Pyle và Horst Faas của Hãng tin Mỹ AP sau này đã viết:

"Điệp viên của miền Bắc có mặt ở khắp nơi tại miền Nam. Từ những cô gái làm nghề dọn bàn trong tiệm rượu sau khi lính Mỹ nhậu nhẹt, đến những sĩ quan cao cấp của Quân đội Việt Nam Cộng hoà. Họ có mặt cả trong giới báo chí Sài Gòn và, như sau này được biết, thậm chí ngay cả trong các sở chỉ huy tại Đà Nẵng của Quân đoàn Mắt thần - nơi vạch ra kế hoạch Lam Sơn 719 họ cũng có mặt".

Khi Phạm Xuân Ẩn đã chuẩn bị sẵn những báo cáo của mình để gửi đi, ông bước dọc một con phố đã hẹn trước trong lúc bà Nguyễn Thị Ba đang mang một khay đồ quần áo, trang sức. Bỗng bà đánh rơi, Phạm Xuân Ẩn dừng lại để giúp bà nhặt các đồ trang sức lên và chuyển cho bà tài liệu báo cáo. Cuối cùng, báo cáo này của Phạm Xuân Ẩn đã được chuyển tới Trung ương Cục Miền Nam. Lập tức, mọi công việc chuẩn bị đối phó với cuộc hành quân Lam Sơn 719 được tiến hành.

Những đánh giá riêng của Phạm Xuân Ẩn cho Shaplen về trận Lam Sơn được Shaplen đánh dấu chú giải bên lề phải tài liệu như sau:

"Ẩn - cuộc xâm lược Lào được vạch ra từ trước… Cộng sản đã biết điều này có lẽ khoảng sáu tháng trước đó".

Sau khi nêu "ba cuộc hành quân thăm dò, trong đó cuộc hành quân thăm dò cuối cùng diễn ra ngày 8/12, mất 200, phát bằng điện báo". Phạm Xuân Ẩn đã nói với Shaplen sự thực về việc tình báo Cộng sản đã biết trước. Trong cương vị của mình khi đánh giá về cuộc hành quân Lam Sơn 719, Đại tướng Cao Văn Viên và Trung tướng Đồng Văn Khuyên đã viết:

"Đối phương đã không bất ngờ về trận Lam Sơn 719 và họ đã chuẩn bị đầy đủ để đối đầu với các lực lượng của chúng ta".

Trong trận này, quân đội Bắc Việt Nam mất hơn 20.000 quân, nhưng quân đội Sài Gòn trong lần ra quân lớn đầu tiên không có các cố vấn Mỹ và lính Mỹ, đã mất hơn một nửa lực lượng. Phía Mỹ mất 108 máy bay trực thăng cùng với 618 chiếc khác bị phá hỏng.

Phạm Xuân Ẩn lại có dịp để cung cấp đầy đủ thông tin nổi bật khác - phân tích về cuộc hành quân Lam Sơn 719 cho Shaplen, bắt đầu từ các chiến thuật của quân đội Sài Gòn và sự thất bại trong việc mở lối vào Đường 9.

"Họ kết thúc bằng cách sử dụng chiến thuật nửa Pháp, nửa Mỹ, nhưng nghiêng về chiến thuật của Pháp hơn. Di chuyển quân từ từ bằng đường bộ tại lối ra. Lẽ ra, họ phải sử dụng xe tăng Abrams. Do đó, mà họ đã rơi vào giữa hai loại phương tiện".

Phạm Xuân Ẩn đặc biệt phê phán lực lượng tình báo Quân đội Sài Gòn. Ông nói:

- G-2 không tốt, chỉ phát hiện được xe tăng đối phương một giờ trước khi họ xuất hiện đông nghẹt.

Shaplen đánh dấu và chú giải cho mình dễ nhớ như sau:

"Ẩn tiếp tục nói rằng chúng ta sẽ sống sót bởi vì Đảng Cộng sản không dám tiêu diệt hết".

Cuộc hành quân Lam Sơn 719 là trận hoàn toàn do các lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hoà thực hiện, không có các cố vấn Mỹ đi cùng để quan sát các đồng minh Nam Việt Nam. Phạm Xuân Ẩn rõ ràng là đã không thể không nói với Shaplen một sự thật khác nữa:

"Chừng nào còn có các cố vấn Mỹ đi cùng, thì khó mà nói dối. Còn bây giờ nói dối là quá dễ".

Phạm Xuân Ẩn cũng khách quan một cách công bằng khi nói về đợt Tổng tấn công của Cộng sản vào mùa xuân 1972, chỉ vài tháng sau cuộc hành quân Lam Sơn. Đợt tấn công này mở đầu vào ngày chủ nhật 30/3/1972 nhằm ngày lễ Phục sinh. Đây là trận đánh lớn nhất trong suốt thời kỳ Chiến tranh Việt Nam do quân đội Bắc Việt Nam tiến hành, kéo dài sáu tháng. Trận tổng công kích này được thiết kế tấn công bằng các lực lượng quân sự thông thường do các lực lượng vũ trang Bắc Việt Nam tiến hành, nhằm giáng một đòn trí mạng vào các lực lượng Quân đội Việt Nam Cộng hoà. Đại tướng Võ Nguyên Giáp hy vọng sử dụng các làn sóng quân đội ào ạt tấn công chiếm giữ lãnh thổ, kể cả những thành phố lớn ở miền Nam Việt Nam như Huế, Đà Nẵng. Điều này giúp cho quân đội Bắc Việt Nam có nhiều lợi thế khi tấn công vào Sài Gòn.

Phạm Xuân Ẩn đã cưng cấp cho Shaplen đánh giá chính xác về chiến lược của Cộng sản:

"Giờ đây không có quân Mỹ tham chiến cùng Quân đội Việt Nam Cộng hoà, tất nhiên là một sự thay đổi sống còn. Năm 1965, họ đã phải chuẩn bị để đánh nhau với 200.000 quân Mỹ và họ đã hình dung ra tình thế này, nhưng giờ đây… Tháng 5 và tháng 8/1968 được thiết kế để buộc chúng ta phải vào bàn đàm phán và ngừng ném bom. Thậm chí vì những lý do ngoại giao, họ đã phải chấp nhận hy sinh nhiều người, buộc chúng ta phải xuống thang. Về mặt chiến lược, họ thắng chúng ta, tuy nhiên, về sách lược họ thua, nhưng là thua xứng đáng… Mặt trận Tổ quốc đã phải tổ chức đánh giá lại. Đảng Cộng sản đã nhận ra rất nhanh. Mỹ đã tìm cách câu giờ cho Chính quyền Sài Gòn, nhưng chính việc thiếu sự lãnh đạo đã không cho phép Chính quyền Sài Gòn tận dựng được lợi thế của thời gian mang lại. Do đó, sự lãnh đạo chính trị, chứ không phải là các nhà lãnh đạo, vẫn còn là một vấn đề then chốt".

Nixon tin rằng Bắc Việt Nam đã tự cam kết với mình là mở chiến dịch "được ăn cả, ngã về không" trong năm 1972. Ngày 1/4, Richard Nixon ra lệnh ném bom miền Bắc Việt Nam trong phạm vi 40 km của khu phi quân sự. Ngày 14/4, Nixon ra lệnh đánh bom đến vĩ tuyến 20.

Hội nghị Paris bị ngừng. Tại một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, Nixon nói:

- Miền Bắc Việt Nam sắp phải bị ném bom với mức độ ác liệt chưa từng thấy.

Điều diễn ra sau lời tuyên bố này của Richard Nixon là những trận tấn công bằng không quân thành công nhất trong thời gian chiến tranh, trong đó có một chiến dịch ném bom lớn nhất trong lịch sử thế giới mang tên "Cuộc hành quân Linebacker I". Mục tiêu không kích là các con đường, cầu cống, đường sắt, căn cứ đóng quân, nhà kho. Trong chiến dịch này, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh không quân hiện đại, bom điều khiển độ chính xác bằng tia laser được đưa vào sử dụng. Các máy bay phản lực ném bom - chứ chưa phải là máy bay B-52 - không kích mở đường tạo sự hỗ trợ tầm gần cho bộ binh của quân đội Sài Gòn. Kết quả cuối cùng là quân đội Bắc Việt Nam bị mất 50.000 người và ước tính khoảng 225 xe tăng và trọng pháo bị phá huỷ.

Cuộc tổng tiến công lễ Phục sinh 1972, về mặt ngắn hạn, rõ ràng là một sự thất bại về quân sự của miền Bắc Việt Nam. Bằng việc dàn quân ra ba mặt trận và tấn công ào ạt trong nhiều đợt, quân đội miền Bắc Việt Nam bị căng ra quá mỏng. Thực tế đã chứng tỏ họ không có có đủ hoả lực để dội vào bất kỳ một điểm nào để giành được vùng lãnh thổ lớn. Vì nhịp độ nhanh của các cuộc tấn công thông thường, một số đơn vị của quân đội Bắc Việt Nam bị thương vong nhiều (một số tiểu đoàn bị rút quân số xuống còn 50 người). Điều này khiến cho họ chiến đấu kém hiệu quả trong thời gian gần hai năm. Tuy nhiên, các căn cứ địa phương quan trọng hơn của họ về mặt tiếp tế ở miền Nam Việt Nam vẫn còn tồn tại. Con số thương vong của Hà Nội trong các cuộc tấn công thông thường do họ tiến hành là đáng kể, mất hơn một nửa trong số 200.000 quân chiến đấu. Thực tế về những kết quả đáng thất vọng của cuộc tiến công mùa xuân đã buộc Hà Nội phải đi đến quyết định tìm kiếm một cách giải quyết thông qua thương lượng. Họ đã đánh giá sai Nixon và cho rằng giờ đây, dường như Richard Nixon đang tiến tới thắng lợi tái cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.

Phạm Xuân Ẩn không cố gắng đi sâu vào vấn đề này với Shaplen:

"Quân đội miền Bắc Việt Nam đã đánh giá thấp sự kháng cự của Chính quyền Sài Gòn và sự giúp đỡ của Mỹ. Đảng Cộng sản đã bị đau, nhưng chưa đến mức bị tê liệt. Mặc dù bị thất bại nặng nề trong hai tháng qua, nhưng quyết tâm của họ vẫn không nao núng. Chiến dịch này sẽ được tiếp nối bằng các chiến dịch khác Đảng Cộng sản giờ đây đã hoàn toàn hồi phục về phong độ, cùng những đơn vị hồi năm 1966 nay được bổ sung quân cho đủ biên chế. Trong khi đó, chúng ta - Mỹ - chưa hề lấy lại được phong độ và không thể… rút ra bài học tại cuộc hành quân Lam Sơn. Họ nhìn thấy cơ hội khách quan mới xuất hiện để mở một cuộc tấn công mới. Đó là việc Quân đội Việt Nam Cộng hoà đang bị Việt Nam hoá ngẫu nhiên trùng hợp với thời kỳ bầu cử tổng thống ở Mỹ, mà trong cuộc bầu cử này, tất cả không thể đoán trước được điều gì. Đó là lý do tại sao họ chấp nhận rủi ro mở đợt tấn công… Nixon dai dẳng không chịu thương lượng. Chúng ta đã thổi vấn đề lên quá nhiều, coi đó là một sự xâm lược, kêu gọi dư luận thế giới chống lại sự xâm lược của Cộng sản. Nhưng trên thực tế, tất cả những gì chúng ta làm chỉ khiến cho nhân dân Mỹ hoảng sợ và dồn Nixon đến chân tường mà thôi".

Khi Phạm Xuân Ẩn nói với Shaplen về các cuộc hành quân Lam Sơn và lễ Phục sinh cũng là lúc ông được tặng thưởng ba Huân chương Chiến công. Sự nổi tiếng của Phạm Xuân Ẩn với tư cách một nhà báo là vấn đề không cần bàn cãi.

David De Voss nhớ lại:

"Tôi gặp Phạm Xuân Ẩn lần đầu tiên vào năm 1972 khi tôi mới 24 tuổi, đến miền Nam Việt Nam với tư cách phóng viên chiến trường của Tạp chí Time. Ngày đó, ông Phạm Xuân Ẩn đã là người huyền thoại nổi tiếng với biệt danh "Tướng Givral" đặt theo tên của tiệm cà phê Givral, nơi ông vẫn thường ghé thăm. Mặc dù ngày ấy điều gì và người nào cũng đáng nghi ngờ, nhưng riêng với ông Phạm Xuân Ẩn thì mọi người lại rất tin cậy ông".

Vỏ bọc của Phạm Xuân Ẩn là không thể nào đâm thủng được và trong suốt hơn một thập kỷ, mạng lưới tình báo cụm H.63 của Phạm Xuân Ẩn đã bảo vệ ông cùng những tài liệu của ông. Nhưng một sứ mạng cuối cùng của ông vẫn còn ở phía trước, đó là đánh bại chế độ Sài Gòn.

( còn nữa)

Theo Trái tim người lính/ Nguồn “ Điệp viên hoàn hảo” của Giáo sư Larry Berman

Bạn đang đọc bài viết "Điệp viên Anh hùng Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 19)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn