Đi xem chiếu bóng

Nguyễn Hải

26/10/2021 05:55

Theo dõi trên

Ngày ấy, bọn trẻ con chúng tôi thích nhất là được xem chiếu bóng.( Xem chiếu bóng tức là xem phim chiếu lên phông ở ngoài trời ấy, nếu xem trong rạp thì tiếng Tây gọi là xem Xi nê). Thỉnh thoảng khoảng vài tháng gì đó có đội chiếu bóng về thì cả làng lại vui như hội, không khí trong làng tưng bừng hẳn lên, nhất là bọn trẻ con chúng tôi thì khỏi phải nói.

di-xem-chieu-bong-1635202576.jpg
 Ảnh minh họa do tác giả cung cấp. Nguồn: Internet

 

Tôi còn nhớ bỗng nhiên một buổi chiều, khoảng hơn 60 năm về trước, khi mọi người lớn còn đang gặt hái trên đồng ruộng, ánh nắng vẫn đang xế vàng trên ruộng lúa, triền đê. Không khí của buổi gặt lúc chiều về đang uể oải, mọi người đang thấm mệt, thì bỗng nhiên có tiếng loa vang lên:

  " A lô, A lô ! Kính thưa toàn thể đồng bào, 8 giờ tối nay, tại sân trường Cấp 1 xã Nỗ Lực, đội chiếu bóng lưu động số 21 tỉnh nhà sẽ chiếu phục vụ bà con đồng bào trong và ngoài xã bộ phim Trung Quốc "Bạch Mao Nữ". Đây là bộ phim tố cáo tội ác của Địa chủ đối với Bần Cố nông. Mời bà con tới xem... 8 giờ tối nay tại sân trường Cấp 1 xã Nỗ Lực, A lô, A lô...".

Tiếng loa vừa dứt, mọi thứ như bừng tỉnh, tiếng nói cười bỗng xôn xao, tiếng bước chân dồn dập, tiếng trẻ con reo hò ... không khí rộn ràng hẳn lên như bỗng nhiên có sự kiện gì trọng đại lắm vậy. Cậu bạn thân cùng xóm của tôi (bây giờ đã là ông lão hơn 70 tuổi rồi) huỳnh huỵch chạy xuống nhà tôi báo tin, cứ tưởng rằng tôi chưa biết gì vậy. Thế là hai đứa hẹn nhau, chờ tối cùng đi, lòng đầy phấn chấn...

Từ bấy giờ đến tối, thỉnh thoảng tiếng loa lại cất lên làm cho không khí cái làng quê nhỏ bé của tôi càng thêm rạo rực khác hẳn với ngày thường. Không nghe thấy tiếng mắng chửi con cái, không nghe thấy tiếng chó sủa , gà kêu... Mọi người nói chuyện với nhau có vẻ thân thiên hơn, tiếng cười rôm rả hơn...

Rồi bỗng nhiên có giọng hát cất lên : "Tiếng chim rừng chào mừng bình minh, hót trên cành rộn rành đây đó, hạt sương thấm ướt cành đào, tưởng như ta  bước lạc vào động tiên...". Nghe giọng tôi biết đó là tiếng của chị bên hàng xóm. Thỉnh thoảng khi có gì vui lắm chị lại hay hát bài "Trước ngày hội bắn" này. Chị thích bài hát đó, và thỉnh thoảng chị cũng dạy tôi hát bài hát đó. Sau này tôi mới biết thực ra thời ấy ít bài hát tình ca lắm, có nhiều đâu mà hát  toàn là "Cùng nhau đi hùng binh" rồi "Đoàn kết cúng ta là sức mạnh"... chỉ thích hợp khi đi họp thôi.  Thành ra thanh niên, thiếu nữ ngày ấy chỉ có một vài bài tủ thôi, như "Trước ngày hội bắn", rồi "Tình ca Tây Bắc", chả có nữa. Thi thoảng thì hát các bài hát Liên Xô như : Chiều Matxcova, Đôi bờ, Cachiusa.v.v..

Mọi công việc như được làm nhanh lên, cơm chiều được mọi nhà nấu sớm hơn mọi ngày, ai có việc đi đâu thì hối hả về cho sớm. Mẹ tôi bảo tôi thu dọn đống củi đang phơi vào và xay ít lúa. Mọi khi thì tôi lừng khừng chán, nhưng hôm đó năng nổ làm phăng phăng, cối xay lúa tít mù, chẳng mấy chốc mà xong hết việc.

Thế rồi cũng đến lúc mặt trời khuất sau bụi chuối, ăn cơm xong cậu bạn thân xuống gọi, chúng tôi xin mẹ lên đường. Mẹ tôi không đi vì nhà nghèo không có tiền mua vé. Bọn trẻ chúng tôi thì được miễn phí, còn đứa nào lớn hơn một tý, không có tiền thì chơi bài trốn vé, rồi cũng vào bãi chiếu được hết.

Đi trên đường đê, thấy các đường làng ngõ xóm người đi tấp nập, từng tốp, từng tốp một. Nhất là thanh niên, trẻ nhỏ cùng dồn cả lên đê hướng về sân trường cấp 1. Ở đó người ta đang chạy máy nổ ầm ầm, đèn điện sáng trưng, tiếng loa không ngừng kêu gọi đồng bào nhanh chân mua vé vào sân bãi. Một cái Phông trắng to đã dựng lên, các chú thợ đã dựng và lắp máy chiếu sẵn sàng, chú Thuyết minh thì liên tục A lô mời mọi người ổn định chỗ ngồi để chuẩn bị chiếu phim. Bọn trẻ con chúng tôi thì kiếm cái lá hay tờ giấy gì đấy len lên phía trên gần màn hình ngồi. Ngoài cổng mọi người khẩn trương mua vé và qua cửa kiểm soát vé vào sân. Dần dần sân bãi đông lên, chật ních, ngoài cổng thưa dần và chú thuyết minh tuyên bố giờ chiếu bóng bắt đầu...

 Đầu tiên bao giờ cũng có cuốn phim thời sự chiếu về cảnh nông thôn hoặc bộ đội gì đó, sau đó mới vào phim chính. Phim chính hôm nay là bộ phim "Bạch Mao Nữ". Bọn trẻ chúng tôi xem chẳng hiểu gì mấy, chỉ biết nội dung phim có tên địa chủ hung ác Hoàng Thế Nhân, có người Tá điền làm thuê cho hắn tên là Dương Bạch Lao vì nợ tiền không có trả nên phải gán con gái tên là Hỉ Nhi cho hắn. Cô Hỉ Nhi phải làm công quần quật suốt ngày suốt tháng để trả nợ cho cha. Khi lớn lên thì cô Hỉ Nhi trở nên rất xinh đẹp và liền bị tên Địa chủ cưỡng hiếp. Cô không chịu nổi liền bỏ trốn vào rừng và ở trong một cái hang động. Do ăn phải các loại rễ cây lạ nên tóc cô trở nên trắng như tuyết, không ai nhận ra nữa. Về sau có người nhìn thấy đồn rằng trong hang có Tiên cô và gọi là "Bạch Mao Nữ".

Cùng làm Tá điền với cô Hỉ Nhi có anh chàng tên gọi Vạn Xuân , anh chàng đã yêu cô gái từ lâu và khi cô gái mất tích anh ta cũng bỏ trốn luôn và sau đó đi theo Bát Lộ Quân. Sau này anh ta đưa Bát Lộ Quân về làng, trừng trị tên Địa chủ và giải phóng cho cô gái. Tên Hoàng Thế Nhân  bị đưa ra đấu tố, bị bắt và bị tịch thu hết tài sản.

Người lớn xem phim có người cảm động khóc sùi sụt, còn bọn trẻ con chúng tôi thì chỉ thích cái anh Bát Lộ Quân kia mặc áo Tôn Trung Sơn thắt đai da, đeo khẩu súng Pạc hoọc bắn bọn chống đối thật oách...(Súng Pạc hoọc là khẩu súng lục có nòng dài, ngày xưa chỉ huy của quân Giải phóng Trung Quốc hay đeo).

Khi hết phim, mọi người ùa ra đường về đông như kiến, chen lấn nhau thật là náo nhiệt. May mà trời không mưa, chứ nếu trời mưa lại bị hoãn phim thì chán chết.

Mãi về sau tìm hiểu tôi mới biết thực ra tên Địa chủ kia bị oan. Ông Hoàng Thế Nhân kia thật ra là một anh nông dân chân lấm tay bùn, do cần cù làm ăn mà sau này trở nên khá giả. Ông ta mua thêm ruông đất của bọn nhà giầu về cho nhiều người nghèo cùng làm ăn, ai khó khăn gì ông ta cũng giúp đỡ. Gia đình cái cô Hỉ Nhi kia cũng được ông này giúp đỡ lúc khó khăn, bố cô ta chết cũng được ông này lo cho chu đáo. Thế rồi thời thế thay đổi người ta vu cho ông ta là Địa chủ và đem đấu tố để phục vụ cho mục đích chính trị của mình.

Nhận thấy thực tế này cũng giống như bên Ta cái thời kỳ Cải cách ruộng đất... May mà sau này đã có sửa sai, Cụ Hồ đã phải khóc để xin lỗi dân chúng.

Lại nói chuyện xem phim, tôi nhớ có một lần, một kỷ niệm khó quên. Hôm đó có phim chiếu ở một xã bên cạnh, hơi xa một chút. Mẹ tôi thấy xa không cho đi vì sợ tôi còn bé dễ lạc đường, nhưng tôi thì thích quá cứ muốn đi. May mà hồi đó đang mùa đắp đê, có một số đông thanh niên ở nơi khác đến trọ ở xóm tôi để ngày đi đắp đê theo nghĩa vụ. Tôi thấy có một anh cũng đẹp trai dễ tính nên xin anh ta cho đi xem phim cùng và được anh ta đồng ý. Thấy có người lớn dắt thế là mẹ tôi đồng ý cho đi. Ai dè khi đến nơi lúc vào qua cửa soát vé thì anh ta bị giữ lại và bị dẫn đi. Tôi không hiểu sao cả, bị bơ vơ lạ nước lạ cái, đang hoảng sợ không biết làm sao thì bỗng có người kéo tôi đi. Tôi nhìn lên thì ra chị hàng xóm bên cạnh nhà tôi. Chị hơn tôi đến chục tuổi, ngày bé hay bế tôi và dậy tôi hát, và chính chị là người hát bài "Trước ngày hội bắn" ấy. Thật may cho tôi hôm ấy được chị dẫn theo cho xem phim và sau đưa về tận nhà. Về sau tôi mới biết là cái anh thanh niên kia đã lậu vé, anh ta làm vé giả bị phát hiện và bị đuổi ra ngoài. Tuy việc không nghiêm trọng lắm  nhưng chẳng hiểu vì sao tôi cứ nhớ mãi chẳng thể quên được cái buổi xem phim có anh thanh niên trốn lậu vé ấy ...

 Rồi sau này lớn lên, tôi được đi xem phim nhiều hơn, cả những đoàn chèo, cải lương Chuông Vàng, rồi xiếc Tề Tề Cáp Nhĩ.v.v. gì đó nữa. Xem cả ở xã tôi và xã bạn, nhưng tôi không thấy nhớ và ấn tượng như những lần xem chiếu bóng ở quê tôi, cái thời còn bé tý tẹo ấy. Nhất là những bộ phim Trung Quốc như: Bạch Mao Nữ, Lương Xuân Bá, Chúc Anh Đài, rồi Thượng Cam Lĩnh ...Bọn trẻ con chúng tôi chỉ thích những phim chiến đấu của Trung Quốc có Bát Lộ Quân đeo súng Pạc hoọc đông như kiến cỏ, ào ạt xông lên, ngã chết như rạ lại ào ạt xông lên trông thật ấn tượng. Bây giờ nghĩ lại thấy thật buồn cười và ấu trĩ cho cái tuổi học trò ngày ấy...

Cái cảnh chiếu bóng có màn ngoài trời bây giờ chắc còn ít lắm, có chăng chỉ còn ở miền núi vùng sâu vùng xa mà thôi. Hôm trước xem TV tôi thấy có cảnh các đội Văn hóa lưu động chở khuân vác thiết bị, máy móc đi miền núi chiếu phim cho đồng bào miền núi xem, tuy rằng thiết bị máy móc giờ đã hiện đại hơn, nhỏ gọn hơn  nhưng vẫn thấy đi lại vất vả lắm.

Đoàn chiếu bóng với hành trang nặng trĩu,

Chất lên xe Cải tiến để lên đường,

Nay xã này, huyện này đi phục vụ

Mai lại xã kia, huyện nọ...khắp bốn phương...

"A lô, A lô...đồng bào chú ý,

Đoàn chúng tôi đã trở về đây"...

Nghe tiếng loa mà lòng ngây ngất,

Đã ngóng trông bao tháng, bao ngày...

Cứ ở đâu có đoàn chiếu bóng về thì làng quê vẫn là vui nhất, nhất là đối với trẻ con và thanh thiếu niên, và nhất là ở những vùng xa xôi hẻo lánh.

Vì vậy khi nhìn trên TV thấy các đoàn cán bộ văn hóa đi chiếu bóng phục vụ các bản làng, làm cho tôi lại nhớ tới ngày xưa, cái ngày bé tý đi xem chiếu bóng, khi ở sân trường, khi ở sân kho HTX quê tôi ấy... thật là vui và khó quên lắm... Mọi người, nhất là những ai chạc tuổi như tôi chắc là cũng vậy, chẳng ai có thể quên được những buổi xem chiếu bóng thủa bé ở quê nhà đâu nhỉ ?...

 Hôm nay, yêu nước ngồi nhà chống Covid nhớ lại chút kỷ niệm tý cho vui nhé, biết đâu có khi lại khỏe ra đấy mọi người ạ.

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Đi xem chiếu bóng" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn