Danh thủ Nguyễn Viết Cầu

Hồ Công Thiết

25/04/2022 20:24

Theo dõi trên

Cuối những năm 60, 70 của thế kỷ trước, Hà Thành xôn xao vì một quái nhân xuất hiện trong làng bóng đá. Đó là ông Nguyễn Viết Cầu. Mấy ai nhớ cầu thủ có tên nghiêm chỉnh như vậy, nhưng gọi tên Cầu “điên” thì ai cũng nhớ ra.

278174571-3168573203421800-6933478222728164780-n-1650766901.jpg
Danh thủ Nguyễn Viết Cầu

Ông Cầu “điên” sinh ngày 8/5/1950 ở phố Thuốc Bắc – Hà Nội. Nhiều người giải thích ông là con cầu tự nên được bố mẹ đặt tên là Cầu. Không biết có phải vậy không nhưng trong gia đình, phía trên ông Cầu toàn là các chị gái.

Phố Thuốc Bắc ở gần sân Long Biên. Cứ rảnh rỗi, ông Cầu lại tót ra sân đá bóng. Chạy sà sã suốt ngày nhưng da ông vẫn trắng nõn, môi đỏ tươi và mái tóc xoăn tự nhiên khiến ông như trẻ lai Tây. Có tài, đẹp trai như Tây, nhưng tình trường của ông lại không nổi bật hoặc nói cách khác là không có điều tiếng gì. Những người biết ông chỉ nhìn thấy ông biểu diễn với trái bóng trên sân là bị thu hút, không thể quan tâm tới điều gì khác. Cũng vì vậy, tuyển trạch viên của đội bóng Trường huấn luyện đã vội đưa ông về trường khi ông mới 14 tuổi. Đây là trường hợp ngoại lệ, dành cho những nhân tài tương lai của bóng đá Việt Nam. Năm 1964, thời điểm ông Cầu được tuyển dụng vào Trường huấn luyện (là Đội tuyển Quốc gia thường trực trong những năm chiến tranh) có những danh thủ nổi tiếng miền Bắc như các ông Trương Tấn Bửu, Trương Tấn Nghĩa, Diệp Phú Nàm, Lưu Đình Tòng, Trần Tương Lai, Nguyễn Thành Đô, Vũ Trọng Bích, Tô Đình Phàn, Hoàng Kính Dịp, Đoàn Đức, Đoàn Sơn, Lê Thế Thọ, Trần Duy Long, Phùng Mạnh Ngọc… Toàn là các danh thủ nhưng họ rất khoái xem ông Cầu “điên” đang tập cùng lứa trẻ.

Bóng vào chân ông Cầu là ông giữ rịt, tìm cách dắt bóng qua người suốt từ đầu sân đến cuối sân. Có lần họ tổ chức cho một mình ông Cầu đá với ba người, vậy mà ông Cầu vẫn chiến thắng, qua người một cách nhẹ nhàng rồi gạt nhẹ vào gôn. Ông Cầu “điên” như không có khái niệm sút xa. Hễ trước mặt có cầu thủ đội bạn thì ông chỉ lăm lăm để qua người, bất kể bên cạnh đồng đội đang ra hiệu xin bóng. Lối đá “điên điên” đấy đã thành nghệ danh sân cỏ Cầu “điên”. Bây giờ xem Messi, Ronaldo, Naymar qua người, thấy có nét như ông Cầu “điên” thời trai trẻ. Lãnh đạo, ai cũng muốn có ông Cầu “điên” trên sân nhưng lại rất ngại khi quản ông ngoài sân cỏ. Khí chất “điên” còn được ông thể hiện trong đời thường.

Ở đội Trường huấn luyện xưa còn có ông Quân “khỉ” tính khí cũng y như vậy. Từ Trường huấn luyện đến khi về đội Bưu điện, ông Quân “khỉ” bao giờ cũng chiếm suất đá chính, nhưng trong sinh hoạt, tính cách nổi loạn trong tư duy khiến khiến các lãnh đội bao giờ cũng e ngại ông này. Ông Quân “khỉ” cũng sớm “bị bật” về đội Quân khu Việt Bắc. Năm 1965, ông Cầu “điên” nghe bạn bè xui, đùng đùng đòi về đội Thể Công, dù được ở đội Trường huấn luyện khi ấy là mơ ước của các cầu thủ ở miền Bắc Việt Nam. Về đến đội Thể công, ngay lập tức ông Cầu “điên” được xếp tập cùng đội 1, dù ông mới 15, 16 tuổi. Năm 1968, ông Cầu “điên” theo đội trẻ tập huấn tại Triều Tiên. Tập huấn xong, ông lại trở về với đội 1 Thể Công, đá hộ công và mang áo số 8.

278329518-3168573296755124-5175156781843923263-n-1650767010.jpg
Danh thủ Nguyễn Viết Cầu (hàng ngồi, thứ ba từ phải sang) cùng các đồng đội trẻ Thể Công năm 1965

Ông Cầu “điên” là quái kiệt của bóng đá Việt Nam. Có ông trên sân, bằng tính cách nổi loạn, ông luôn có những giải pháp không ai ngờ tới để mang chiến thắng cho đội nhà. Đi bóng bằng cả hai chân, mềm dẻo, lả lướt dẫn bóng qua rừng chân đội bạn mà như chỗ không người, ông Cầu “điên” khiến khán giả trên sân reo hò thích thú nhưng đôi lúc lại làm huấn luyện viên vò đầu bứt tai vì đội nhà bị lỡ nhịp điệu tấn công. Cùng vì tính cách “điên” trên sân và tính cách “nổi loạn” trong sinh hoạt, ông Cầu “điên” bị đưa về đội Quân khu 1 năm 1975. Năm 1976, ông Cầu “điên” chuyển về đội Phòng không và năm 1978 ông ra quân, chấm dứt sự nghiệp “quần đùi áo số” khi mới 28 tuổi, độ tuổi sung sức nhất của một vận động viên.

Năm 1979 ông sang Đức, định cư tại Berlin. Ngày 29/1/2017, ông Nguyễn Viết Cầu ra đi sau cơn bạo bệnh. Thời gian ông Nguyễn Viết Cầu vang danh ở Thể Công không nhiều, nhưng nhắc về Thể Công những năm vàng son, không ai không nhớ tới ông – Một cầu thủ xuất chúng và một “kẻ nổi loạn” đáng kính!

 

Chuyện Làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Danh thủ Nguyễn Viết Cầu" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn