Đám tang ân tình

Ngô Thế Phổ

29/09/2022 08:27

Theo dõi trên

Mẹ bạn tôi Dương Trung Mạnh và Dương Trung Quốc qua đời ở tuổi 98. Ở tuổi ấy xưa nay là đại thọ. Cụ minh mẫn cho đến ngày đi gặp cụ ông là liệt sỹ Dương Trung Hậu, hy sinh từ ngày toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội năm 1947.

dam-tang-1664414779.jpg

 

Chàng thanh niên Hậu hy sinh ngay trên chiến lũy phố cổ, cách ngôi nhà gia đình ở không xa. Mẹ bạn tôi lúc đó đang nuôi hai con nhỏ Dương Trung Hiệp 4 tuổi, Dương Trung Mạnh 2 tuổi, Dương Trung Quốc còn đang ở trong bụng mẹ. Mẹ Nguyễn Thị Bảy ở vậy nuôi các con từ lúc tuổi mẹ còn rất trẻ mới 22 tuổi, cho đến khi các con khôn lớn trưởng thành. Ngoài việc nuôi con, mẹ Bảy còn chăm sóc mẹ chồng chu đáo. Bà là Nguyễn Thị Hợi (1886-1968), thọ 83 tuổi, người làng Ngọc Thuỵ Hà Nội. Bà được vinh danh Bà mẹ Việt Nam anh hùng năm 1998 (vì có con trai duy nhất là liệt sỹ). Những kỷ niệm về bà vẫn in đậm trong tôi, mỗi lần gặp bà đều thấy bà ngồi góc xập gụ bỏm bẻm nhai trầu, luôn hỏi thăm về ông bà nội và cụ nội tôi....

Số nhà 27 Hàng Đường nhiều kỷ niệm với tuổi thơ của tôi. Nơi mẹ Bẩy nuôi hai người con cùng học một lớp với tôi là Mạnh và Quốc ở trường Nguyễn Trãi phố Cửa Bắc. Có những hôm học 5 tiết trưa về muộn, đường Phan Đình Phùng rộn tiếng ve kêu, trên những cây Sấu già, thỉnh thoảng có quả rụng lộp bộp. Bụng đang đói meo, tôi nhặt ăn ngấu nghiến.Biết bạn đói, có vài lần Mạnh hay Quốc rủ tôi về nhà ăn cơm trưa, tôi chẳng từ chối bao giờ. Tầng 1 nhà bạn là bàn ăn, đã đậy sẵn lồng bàn, mở ra là chúng tôi ăn ngay. Tôi và Mạnh hay nói chuyện tào lao, trên trời dưới biển...Còn Quốc mỗi thứ gắp một ít vào bát, có hôm trộn luôn canh vào bát, mắt không rời tờ báo mới và đọc ngấu nghiến cho đến hết bữa, đọc cả trang rao vặt ( bây giờ ta gọi là Quảng cáo ). Hình như tính cách nhà Sử học tương lai đã hình thành từ những ngày còn nhỏ,thích đọc và luôn ghi nhớ.Những năm sau này Quốc rất mê sách, sưu tầm sách quý và đặc biệt bạn tuổi Hợi nên có thú vui sưu tầm đàn lợn đất đủ loại, đủ kích cỡ ở khắp nơi trên thế giới khi bạn tôi từng đặt chân tới.

Những năm Hà Nội cải tạo công thương nghiệp, mẹ Bẩy tự nguyện vào công tư hợp doanh, mặt tiền cửa hàng 27 Hàng Đường bị trưng dụng làm cửa hàng Mậu dịch. Gia đình phải đi cổng hậu, nơi chỉ mở để "đổi thùng" hàng đêm từ hồi Pháp thuộc.

Năm tháng qua đi, đúng 49 năm sau Hà Nội cũng trả lại cửa hàng tầng 1 cho gia đình (2007). Cuộc đời luôn có hậu.

Mới ngày hôm kia tiễn mẹ về nơi cực lạc, tôi gặp rất nhiều người Phố Cổ bạn bè, anh chị em, cô chú cùng đến tiễn đưa. Gia đình chọn nhà tang lễ 125 Phùng Hưng là rất hợp lý, nơi đây không quá cao sang, nơi những người dân bình thường ở Hà Nội, những người dân "Phố Hàng" đều sẽ một lần lên chuyến xe cuối cùng về cõi vĩnh hằng.

Trong hàng trăm vòng hoa kính viếng, tôi thấy có vòng hoa của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, của ông Võ Văn Thưởng, ông Trịnh Đình Dũng...Và chắc rất nhiều vòng hoa trong lòng mọi người đến viếng.

Ở nơi cõi phật mẹ gặp lại những người thân yêu nhất, đặc biệt là liệt sỹ Dương Trung Hậu đã 75 năm xa cách.

Kính cẩn và thân thương tiễn biệt me đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Bạn đang đọc bài viết "Đám tang ân tình" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn