Cuộc chiến 50 năm nhìn lại (Kỳ 2): Bắt đầu vào nhật ký

Đặng Đức Hòa

28/03/2022 09:17

Theo dõi trên

Ngày 25/3/1972: Mấy ngày qua chúng tôi cùng đội hình của Trung đoàn rời Hương Khê hành quân bộ vào Quảng Bình. Vài chặng đầu hành quân ban ngày đến trạm giao liên còn được nghỉ ở nhà dân.

t29-1648437357.jpg
Các cánh quân trên đường vào, một trạm khách trên đường hành quân. Ảnh: Tư liệu

 

Do phải mang vác nặng quân trang, vũ khí, lương thực, thực phẩm trên vai hàng 3,4 chục kí nên cả vai, chân đều bị sưng phồng và bỏng rát. Những ngày đầu hành quân, chúng tôi đã phải đi cả đêm mới tới được trạm giao liên cho dù trạm nọ cách trạm kia chỉ khoảng 30 km. Người dân ở các trạm giao liên cũng cực khổ không kém gì bộ đội, họ vừa chia tay chúng tôi lúc chiều tối, lại lo đón các chú bộ đội khác đến nhà lúc ba bốn giờ sáng.

Họ còn phụ giúp bộ đội chuẩn bị thức ăn, nước uống cho cả ngày và buổi tối hành quân hôm sau. Nhiều gia đình còn nấu sẵn nồi nước nóng để bộ đội đến nhà đã có nước nóng ngâm chân. Một buổi tối tôi và anh Kim buông màn rồi lấy hộp sữa để uống cho đỡ đói, do trời tối nên anh Kim đục lỗ bị lật hộp sữa phải đục lại, vì không nhìn thấy lỗ cũ nên lại đục mặt khác làm sữa chảy ra cả chiếu. Hai anh em vừa buồn cười vừa xuýt xoa tiếc rẻ, lại phải loay hoay lau chùi kẻo lộ bí mật. Cuối đất Hà Tĩnh sang Quảng Bình chúng tôi đi theo đường sắt cũ của Pháp làm. Có nhiều chặng phải chuyển sang hành quân ban đêm để tránh máy bay địch đánh phá, còn ban ngày nghỉ tại các trạm giao liên của binh trạm trong rừng.

Vào Quảng Bình có lúc lại lên xà lan đi theo dọc sông Côn (một nhánh của sông Gianh) đến một binh trạm mới ở xã Cự Nẫm. Cứ mỗi trạm giao liên chúng tôi lại được cấp bổ sung gạo và thực phẩm để hành quân tiếp. Những lúc đó trên vai lại trĩu nặng hơn lên nên mỗi lần dừng nghỉ mà ai được nộp gạo cho nuôi quân nấu là phấn khởi lắm. Tất nhiên là khẩu tiểu đội trưởng cũng căn cứ theo sức khỏe của từng người mà phân công.

Các trạm giao liên trên đường hành quân thường đặt ở vị trí xa sông suối để tránh máy bay địch đánh phá nên việc chuẩn bị cho bữa ăn tối, nắm cơm bữa sáng và trưa ngày hôm sau cũng rất khó khăn. Các bữa ăn cũng đạm bạc chủ yếu rau rừng, khi thì có thêm được món ruốc bông nấu thành canh hoặc hộp thịt thêm nước và nước mắm viên khô nấu mặn để đưa cơm. Nhưng vì hành quân đã mỏi mệt, đói bụng vả lại với sức trẻ nên ăn vẫn ngon lành.

Trái Tim Người Lính

Bạn đang đọc bài viết "Cuộc chiến 50 năm nhìn lại (Kỳ 2): Bắt đầu vào nhật ký" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn