Chuyện kể về mẹ của chúng tôi...

TS. Lê Thị Thanh Hương/Thành Đô (tổng hợp)

27/03/2023 09:40

Theo dõi trên

Tháng 7 năm 1969, Lưới tình báo H10-A22 bị Đặc ủy CIA phá vỡ, nhiều cán bộ chiến sĩ bị bắt. Đồng chí Lê Hữu Thúy bị bắt khi đang giữ vị trí Tham Chánh Văn phòng Bộ Thông tin – Chiêu hồi của chính quyền Sài gòn. Với vai trò Chỉ huy Phó của H10-A22, đồng chí bị địch kết án chung thân khổ sai, bị giam cầm tại Côn đảo.

b1mn1-1679884533.jpg

Bà Ngô Thị Như vợ Đại tá Anh hùng tình báo Lê Hữu Thuý và các con của bà.

 

Tháng 7 năm 1973, địch trao trả Đồng chí Lê Hữu Thúy về vùng giải phóng Lộc Ninh. Để đồng chí yên tâm trở lại đội ngũ, tiếp tục chiến đấu trong đội hình Lữ đoàn 316 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, Lãnh đạo Phòng J22 giao nhiệm vụ Cụm VT73 tạo điều kiện tổ chức đưa gia đình Đồng chí Năm Thúy về Lộc Ninh.

Tiếp nhận những thông tin về điều kiện, tình hình gia đình Đồng chí Năm Thúy, các đồng chí Năm Sản, Tư Hà đã lên kế hoạch liên lạc tiếp xúc với gia đình Đồng chí Năm Thúy.

b2mn2-1679884624.jpg

Bài báo viết về công trạng của ông Lê Hữu Thuý .

 

Từ đây, người viết xin lấy tư cách con gái của Cố Đại tá Lê Hữu Thúy, Anh hùng Lục lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, là người thật, việc thật, “nhân chứng lịch sử” kể câu chuyện Cụm điệp báo chiến lược ký hiệu VT73 – thuộc Phòng Tình báo chiến lược Bộ Tham mưu Miền tổ chức liên lạc đón gia đình chúng tôi từ nội thành Sài Gòn ra căn cứ Bời Lời.

***

Sau khi Bố tôi bị bắt, Mẹ tôi mưu sinh chủ yếu bằng nghề thợ may tại nhà, để thêm thu nhập Mẹ bày thêm tủ hàng tạp hóa, chè, bánh bán cho bà con, trẻ nhỏ trong xóm, có lúc xoay sở khó khăn Mẹ cũng theo các bạn hàng chạy buôn thêm mặt hàng hột vịt, trái cây từ Long An, Mỹ Tho về.

b3mn3-1679884659.jpg

Chân dung Anh hùng tình báo Lê Hữu Thuý .

 

Tuy một mình nuôi con, nuôi cả người chồng ở tù nhiều hơn ở nhà, nhưng Mẹ chịu thương chịu khó, nuôi dạy chị em tôi rất nghiêm khắc không cho bỏ việc học hành, chị đỡ em nâng, giúp mẹ việc nhà, biết điều ngay lẽ phải, không bao giờ to tiếng… Mẹ tôi được xóm giềng quý mến, phần lớn bà con cũng không hề kỳ thị “dượng Năm” là tù cộng sản, vì cả khi còn ở nhà Bố tôi luôn thể hiện là một “công chức” bình dị và Bố tôi luôn như thế cho đến cuối đời. Việc Mẹ vắng nhà đôi ba ngày với chị em tôi và hàng xóm đã thành quen.

Sau Hiệp định Paris, Mẹ tôi rất chú ý nghe tin tức việc trao trả tù chính trị. Có mấy hôm dặn chúng tôi trông nhà, Mẹ cùng các bác gái Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Nguyễn Xuân Hòe đến Nha Cảnh sát, vô nhà tù Chí Hòa, lên tận nhà tù Tam Hiệp (Biên Hòa) thăm dò tin trao trả tù Côn Đảo….

Vào một ngày đầu tháng 11 năm 1973, mẹ bảo đưa em Tư, em gái kế của tôi, đang học lớp 8, đến nhà cô ôn bài. Hôm sau, không thấy em về, tôi hỏi, Mẹ vội kéo tôi ra sau bếp, nói nhỏ :

- Bố cho người về đón, Mẹ đã đưa em đi.

b4mn4-1679884704.jpg

Bằng phong tặng danh hiệu Anh hùng ,Đại tá tình báo Lê Hữu Thuý .

 

Mẹ dúi cho tôi xem mẫu giấy vở học sinh có mấy dòng viết li ti và chữ ký tắt của Bố. Thư Bố dặn dò Mẹ phải tuân theo hướng dẫn của tổ chức…

Thoạt đầu tôi rất hoảng sợ, gặng hỏi :

- Bố về thật sao? Mẹ đã gặp Bố?- Mẹ giải thích :

Công tác tổ chức, liên lạc, đón cả nhà lần này có nhiều thuận lợi : Một là, gia đình chúng tôi sống trong một xóm lao động, gần Chợ Bà Chiểu; Hai là, khi Bố hoạt động, Mẹ tôi chính là người giữ vai trò cơ sở giao thông nội đô trong trận Mậu Thân, đã tham gia việc nuôi giấu cán bộ. Mẹ hiểu phương thức hoạt động của ngành.

Tuy nhiên, để đưa một đoàn Mẹ con tôi lớn nhỏ 8 người đi an toàn trong khi đang bị địch kiểm soát thật không đơn giản.

Chuyến giao liên đầu tiên đã bị “dội” vì người giao liên phát hiện cảnh sát luôn theo dõi Mẹ tôi. Thì ra, ngay sau khi “phải” trao trả Bác Hai Nhạ và Bố tôi về Lộc Ninh, mật vụ Sài gòn đã bố trí canh chừng ở đầu ngõ hai nhà chúng tôi. Bác gái và Mẹ tôi đã nhanh chóng thông tin cho nhau.

Để bảo đảm sự an toàn của mấy mẹ con, Chú Tư Hà chỉ đạo tổ giao thông phải điều nghiên lại chặt chẽ, một là, tổ chức một bước trước đón Mẹ tôi đi tiền trạm cũng là nắm cặn kẽ khả năng có thể tự lực đi lại của các chị em tôi; hai là chọn cán bộ giao liên phù hợp, chủ yếu là nữ, chú ý câu chuyện ngụy trang khi liên lạc tiếp cận. Nhờ sự cẩn thận, chu đáo, cán bộ giao liên đã thuận lợi đưa Mẹ tôi với em gái ra đến Cụm. Chú Tư Hà trực tiếp thăm hỏi, nghe báo cáo tình hình cũng thống nhất chỉ đạo sẽ tổ chức tiếp theo thành 2 chuyến, cách khoảng 3 - 4 ngày. Vì thế Mẹ để em Tư ở lại với Bố, quay vào thành ngay trong ngày, hẹn sẽ đi chuyến cuối cùng.

Chuyến thứ hai sau đó, Mẹ nhờ chị Hai Mạnh bán ve chai trong xóm (chồng chị là trung sĩ cảnh sát) dẫn em gái thứ bảy lên 6 tuổi của tôi ra rạp hát Cao Đồng Hưng (nay là Nhà sách Gia Định) Chợ Bà Chiểu, một dì giao liên theo tín hiệu quy ước đón em và đưa ra Bời Lời. Nghe được gặp Bố em đi ngay!

Chuyến cuối cùng, Mẹ đi với 4 đứa. Riêng chị Hai tôi, Mẹ gởi lại Má Tư, là chị ruột của Mẹ, chúng tôi đều gọi Người là Má. Cậu Má không có con, đùm bọc Mẹ con tôi những lúc khốn khó nhất. Cậu cũng là một cơ sở trong lưới cùng bị bắt tù giam. Mẹ không đành lòng bỏ Má Tư lại một mình.

Theo kế hoạch sắp xếp, sáng ngày đi, tôi mặc áo dài, xách cặp như đi học, đón xe lam sang Thị Nghè, vào trường Trưng Vương (Q1). Năm này tôi học Đệ Tam (lớp 10), Mẹ bảo đi như thế vừa tránh bị theo dõi, vừa tiện liên lạc với chị Vũ Hải, con gái lớn nhà Bác Hai Nhạ để báo tin. Chị Hải lúc đó cũng học Đệ Nhất (lớp 12) Trưng Vương.

Đến trường, tôi không vào lớp mà vào nhà vệ sinh thay áo ngắn, theo cổng sau rời trường, tôi đi bộ về chợ Thị Nghè, đón xe lam trở lại Chợ Bà Chiểu, lúc lên tiếp chiếc xe lam đi Hóc Môn tôi còn thấy chị Hai tôi ôm cặp đứng nhìn. Tôi nhận ra, chị đã trốn học đến bến xe tiễn Mẹ và các em, cuộc chia tay lặng lẽ không đoán định được ngày tái ngộ. Sau gặp Bố rồi tôi mới biết, Bố Mẹ tin ngày chiến thắng, đoàn tụ không còn xa.

Mẹ tôi sau đó, tay bồng em Kiều, tay dắt Hải và Trúc giả đưa đi khám bác sĩ, một ít quần áo, đồ dùng đã gói ghém nhờ chị Hai Mạnh giấu trong gánh ve chai đi trước. Tôi nghe Mẹ nói phải đi vòng xa đánh lạc hướng phòng bị theo dõi.

Điểm hẹn gặp là Ngã Ba Tham Lương (nay trên đường Trường Chinh, TÂN BÌNH) Mẹ tôi đến sau cùng, nhìn thấy đủ mặt, chị Hai Mạnh ve chai cũng đã đem giúp túi xách đến. Giả như không quen, 5 mẹ con cùng đón chuyến xe đò đi Tây Ninh. Trạm xuống chính là Suối Sâu, Trảng Bàng, từ đây lại đi xe lam quay vào Chợ Trảng Bàng, tôi nghĩ lúc đó phải hơn 10g sáng. Theo kế hoạch tại bến xe lam, sẽ có giao liên tiếp dẫn vào trong cứ.

Sự cố không dự kiến được là Mẹ không thấy tín hiệu giao liên, bến xe có nhiều cảnh sát, Mẹ quyết tâm đi tiếp, mấy mẹ con liền lên chiếc xe lam, khi ngồi xuống ghế mới nghe các dì đi chợ về bàn tán việc một đơn vị lính ngụy của Sư đoàn 5 bộ binh mở trận càn theo lộ 6 vào Bời Lời từ sáng sớm, tháp tùng có số địa phương quân. Một số cảnh sát địa phương cũng dàn ra kiểm soát, chặn các xe xét hỏi.

Thấy 1 tên cảnh sát tiến đến hướng xe mình, Mẹ tôi vội vàng lấy từ túi xách hai lố dầu gió (loại dầu con sóc) dúi sang lòng hai dì phụ nữ ngồi ở ghế trong. Hai dì như hiểu ý và đã quen việc này liền bỏ ngay vào giỏ đi chợ, dùng các thứ trong giỏ che lại, kẹp giỏ giữa hai chân. Trả lời câu hỏi “Đi đâu?” của tên cảnh sát, Mẹ tôi nói “Về đám giỗ!” Nhìn người phụ nữ giản dị, tóc búi, ôm đứa trẻ 4 tuổi trong lòng, tên cảnh sát khoát tay, ra hiệu cho đi.

(Còn tiếp)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện kể về mẹ của chúng tôi..." tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn