Chuyện của "huyền thoại" trinh sát chiến trường Đông Nam Bộ

Hồng Tâm/Thành Đô ( tổng hợp)

11/09/2022 09:18

Theo dõi trên

Trong câu chuyện kể với chúng tôi, Thượng tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) Ngô Văn Sơn (hiện trú tại phường Đồng Bẩm, TP. Thái Nguyên) nhớ như in từng đồng đội, chi tiết mỗi trận đánh cách đây đã hơn 50 năm. Đó là phẩm chất cần có của chiến sĩ trinh sát giỏi, điều khiến ông trở thành một “huyền thoại” nơi chiến trường Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Từ kỷ niệm thất bại trận đầu…

Trong căn nhà nhỏ ở tổ dân phố Ao Voi, phường Đồng Bẩm, tài sản quý giá nhất của Anh hùng LLVTND Ngô Văn Sơn có lẽ là những tấm huân, huy chương được ông cất giữ cẩn thận. Mỗi kỷ vật gắn liền với một chiến công của ông với đồng đội. “Đơn vị trinh sát đặc công của chúng tôi thắng nhiều trận, tiêu diệt nhiều sinh lực và khí tài của địch nhưng trận đầu khi vào chiến trường miền Nam lại là kỷ niệm không vui vì thất bại.” - Ông Sơn chia sẻ.

dvh1ac-1662862625.jpg
Anh hùng LLVTND Ngô Văn Sơn. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Năm 1966, chàng trai trẻ Ngô Văn Sơn làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ khi vừa bước qua tuổi 19. Ông được biên chế vào Đoàn 250, Quân khu Việt Bắc rồi sau đó chuyển sang Trung đoàn Đặc công 426. Quãng thời gian huấn luyện dài tới 3 năm tại Cao Xà Lá (Hà Đông) là thử thách thực sự với các tân binh.

Ông bảo: “Chúng tôi không ngại khó, ngại khổ huấn luyện mà là “nóng ruột” khi chiến tranh đang giai đoạn khốc liệt, người người vào Nam chiến đấu còn mình vẫn mãi ở hậu phương. Chính vì vậy, mấy anh em quyết tâm xin lên đường dù đơn vị có kế hoạch cho học lớp trung đội trưởng.”

Năm 1969, ông Sơn là Trung sĩ, Trung đội phó Đặc công cùng đơn vị hành quân vào Nam, chiến đấu ở khắp các địa bàn như Bình Dương, Phước Long, Tuy Hoà… “Được coi là đơn vị đặc công “nòi”, lại có thời gian huấn luyện kỹ nên chúng tôi rất tự tin. Tuy nhiên, điểm hạn chế là kinh nghiệm thực chiến và nhiều trang thiết bị mang từ hậu phương vào như kìm cắt rào lại không sử dụng được.” - Ông Sơn cho biết.

Trận đánh đầu tiên của đơn vị vào căn cứ Trảng Tranh (Biên Hoà) có 1 tiểu đoàn nguỵ chốt chặn. Các nhóm trinh sát chia thành 3 mũi để khảo sát địa hình. Ông Sơn cùng 1 đồng đội tiến vào từ hướng Tây Bắc. Tuy nhiên, khi áp sát hàng rào thép gai và dùng kìm cắt thì không được, phương án thay thế là phải chống để chui qua. Khi đến lớp rào thứ 5 thì mũi trinh sát bị vướng mìn và pháo sáng. Một vài đồng đội đã hy sinh và bị thương, đó cũng là điều ông Sơn day dứt mãi.

…Đến những chiến công oanh liệt

Sau thất bại ở đó, ông Sơn và đồng đội thêm quyết tâm sửa sai, bắt đầu bằng việc rút kinh nghiệm, luyện tập và học những điều nhỏ nhất như kỹ thuật cắt rào.

Tháng 3-1970, đơn vị được lệnh trinh sát Chiến đoàn 9 của Nguỵ, đóng tại thị trấn Chơn Thanh (Bình Phước). Tổ trinh sát đặc công gồm 10 người, có bộ đội địa phương dẫn đường tới cứ điểm.

Ở trận này, ông Sơn dẫn đơn vị chiến đấu vào tận căn cứ địch, còn bản thân phụ trách đánh chốt bảo vệ đường băng. Toàn bộ 63 chiến sĩ vào được căn cứ địch, áp sát các địa điểm để hiệp đồng tác chiến. Pháo hiệu tấn công là 3kg thuốc nổ đặt tại sở chỉ huy, chỉ trong 1 tiếng đồng hồ toàn bộ căn cứ địch bị hạ, tiêu diệt 450 tên địch. Trên đà thắng lợi, đơn vị tiếp tục mở đánh thêm 1 đại đội Nguỵ ở căn cứ Cây Cầy cách đó hơn 1km.

Cuối năm đó, cấp trên có chỉ lệnh về việc đánh vào tổng kho Long Bình (Biên Hoà). Đại đội đặc công được giao mở mũi trinh sát vào khu vực đồi 53. Khảo sát kỹ địa bàn, ông Sơn đề xuất phương án tác chiến, đáng chú ý là việc sử dụng lưỡi cưa có quấn vải để phá cửa kho chứa đạn, đặt thuốc nổ vào trong mà không gây tiếng động... Trận đó, toàn bộ anh em đều an toàn, quân ta phá huỷ hơn 6 nghìn tấn đạn pháo và nhiều phương tiện cơ giới.

Sau khi thành lập Đại đội trinh sát 53, thuộc Trung đoàn 113 Đặc Công,ông Ngô Văn Sơn được điều về làm Đại đội trưởng đầu tiên của đơn vị. Tháng 12-1972, ông trực tiếp chỉ huy một tổ đánh vào khu vực kho 50, phá huỷ nhiều xe thiết giáp và cơ giới. Sáng hôm sau đài BBC đưa tin: “Một tổ đặc nhiệm cảm tử của Việt cộng đã bí mật đặt mìn, phá huỷ ít nhất 101 xe và thiết bị quân sự”.

Ấm áp tình đồng đội

Tham gia nhiều trận đánh oanh liệt, ông Sơn bị thương vào một thời điểm không ngờ. Đó là tháng 11-1974, tại khu vực Tân Uyên (Bình Dương). Khi đó, ông là Tham mưu trưởng Tiểu đoàn Đặc công 23, đơn vị đang làm nhiệm vụ trinh sát mở đường vượt sông. Chiến sĩ báo về là không thể tiếp cận được mục tiêu nên ông Sơn quyết định thân trinh đi khảo sát. Sau 2 tối, khi đã nắm được địa thế khu vực và quay trở ra thì ông phát hiện đồng đội đi trước vướng mìn, vừa kịp kéo lại thì một tiếng nổ chát chúa vang lên.

“Lúc đó tôi không hề có cảm giác gì, bước hẫng về phía trước mới biết mình gần như mất nguyên bàn chân trái. Dùng quai súng buộc tạm cầm máu, một chiễn sĩ phía ngoài lao vào cõng và cứ thế xuyên qua làn đạn địch mà trở về đơn vị”.

Trước khi được chuyển đi điều trị, ông Sơn còn kịp dặn dò và lấy trong hòm những vật dụng mà mình được cấp trên khen thưởng mỗi lần có thành tích để tặng cho chiến sĩ đơn vị.

Giờ đây, hồi tưởng lại những năm tháng chiến đấu, điều đọng lại lớn nhất đối với Thượng tá Trần Văn Sơn là tình cảm đồng chí, đồng đội. Ông bảo: “Trong chiến tranh, mọi thứ đều thiếu thốn chỉ riêng tình cảm là luôn đầy ăm ắp. Chúng tôi chia nhau từng phong lương khô, có khi 5-6 anh em hút chung điếu thuốc.”

Ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào tháng 6-1976. Trong những ngày điều trị, ông may mắn gặp một nữ y sĩ quân đội xinh đẹp về thực tập ở bệnh viện và trực tiếp chăm sóc cho bản thân. Tình yêu đẹp nảy nở đã gắn kết 2 người suốt hơn 40 năm qua. Đó như sự bù đắp xứng đáng cho những mất mát, đau đớn về thể chất mà ông phải chịu do hậu quả tàn khốc của chiến tranh.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện của "huyền thoại" trinh sát chiến trường Đông Nam Bộ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn