Chúng tôi đi chiến dịch giải phóng Sài Gòn

Nguyễn Chiến, cựu phóng viên chiến trường của TTXGP

08/05/2022 10:16

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tham luận của Nguyễn Chiến, cựu phóng viên chiến trường  TTXGP tại Hội thảo khoa học "TTXGP với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" tổ chức chiều 6/5/2022.

Đầu tháng 4/1975, khi tình hình trở nên sôi động trên toàn miền Nam, không khí tại Tổng xã Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) cũng trở nên khẩn trương khác thường.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, Ban lãnh đạo TTXGP quyết định cử các đoàn phóng viên tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Theo đó, có ba nhóm phóng viên được Tổng xã GPX cử đi gồm nhóm của Vũ Xuân Hoạt, Lê Doãn Tặng và Nguyễn Đăng Chiến. Mỗi nhóm só 5 người gồm một phóng viên tin, một phóng viên ảnh, hai điện báo viên và một cơ công (nhân viên kỹ thuật sữa chữa). Trang bị mỗi nhóm mang theo là một bộ máy thu phát 15 W có tầm phát sóng dưới 500 km.

img-20220506-155850-1651979554.jpg
Cựu phóng viên chiến trường của TTXGP Nguyễn Chiến phát biểu tham luận tại Hội thảo.

        

Nhiệm vụ của ba nhóm chúng tôi là đến liên hệ với Đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định để thông tin về việc tổ chức các cuộc nổi dậy của nhân dân Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, hỗ trợ các cuộc tiến công của các binh đoàn chủ lực cuả quân đội ta.

          Trước tình hình mới trên chiến trường, Đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định (có mật danh là T4) bao gồm hơn 30 quận huyện, đã sáp nhập lại thành các Liên quận. Mỗi liên quân gồm một số quận, huyện.

          Nhóm của tôi được phân công đi với Liên quận 3 gồm các quận 10, 11, Bình Chánh. Bí thư liên quận 3 khi đó là đồng chí Mười Hương, ủy viên Thường vụ Đặc khu ủy. (Đồng chí Trần Quốc Hương sau ngày Giải phóng là Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, rồi lên làm Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương). Tham gia mũi tiến công của Liên quận 3, ngoài các quận ủy, huyện ủy trực thuộc còn các các khối an ninh, dân vận và thanh niên của Đặc khu ủy.

          Nhóm của đồng chí Vũ Xuân Hoạt đi theo mũi tiến công do đồng chí Năm Xuân (Mai Chí Thọ), ủy viên Thường vụ Đặc khu ủy phụ trách. Nhóm của đồng chí  Lê Doãn Tặng đi theo mũi tiến công do đồng chí Ba Tôn (Nguyễn Văn Thuyền), ủy viên Thường vụĐặc khu ủy, phụ trách.

          Theo quyết định của Ban lãnh đạo TTXGP, chúng tôi lên đường rời căn cứ của GPX vào buối sáng 12/4/1975. Chiều cùng ngày, chúng tôi đến trạm giao liên của Đặc khu ủy đóng tại Lò Gò. Ngày hôm sau chúng tôi đi ca nô rời Lò Gò đi Tà Nông theo sông Vàm Cỏ Tây. Từ Tà Nông chúng tôi bắt đầu hành quân bộ đi Ba Thu (thuộc huyện Đức Huệ, tính Long An). Từ Ba Thu chúng tôi đi tiếp đến Gò Mỏ Đỏ thuộc tỉnh Kiến Tường (này là tỉnh Đồng Tháp) rồi rẽ sang mạn phía Bắc của Đồng Tháp Mười tiến về Sài Gòn. Những ngày hành quân qua đồng Tháp Mười là những ngày vất vả, vì đó là những ngày cuối mùa khô, trời nóng vô cùng. Dọc đường gần như không có bóng cây. Đã thế, dường hành quân là lội trên cánh đồng sình lầy sâu đến đầu gối. Và Đồng Tháp Mười nổi tiếng là nhiều muỗi, kể cả ban ngày, quơ tay cũng có thể bắt được vài con muỗi.

Đêm đến ngủ trên bờ kinh, vì không có cây to mắc võng, phải bẻ cành điên điển cắm xuống đất để mắc màn. Nền đất khấp khổm nằm ngủ sáng dậy đau lưng ê ẩm.

          Tối 21/4, bật đài nghe tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức, anh em ôm nhau vui mừng vì đây là diễn biến bất thường có ảnh hưởng lớn đến cục diện chính trị ở miền Nam. Nhưng đây cũng là đêm cuối cùng ba đoàn còn đi cùng nhau, ngày hôm sau mỗi đoàn đi mỗi ngả.

          Tôi với Hoạt, Tặng cùng lớp phóng viên chiến trường GP 10, cùng học ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1968. Hoạt học khoa Toán, Tặng học khoa Lịch sử, còn tôi học Khoa Hóa. Lớp phóng viên GP10 được thành lập theo quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng và giao cho Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) thực hiện, nhằm bổ sung cho các cơ quan thông tấn báo chí miền Nam như TTXGP, Đài phát thành Giải phóng, Báo Giải phóng trên các chiến trường từ Trị Thiên đến Khu Năm và Nam Bộ). Đêm ấy chúng tôi thức trắng ngắm sao trời, ôn lại chuyện cũ: chuyện thời đại học, chuyện về những ngày hành quân vượt Trường Sơn, chuyện về tai nạn hôm 2/4/1973 khiến 3 người trong đoàn chúng tôi hy sinh, nằm lại trên đất bạn Lào và nhiều người khác bị thương nặng phải chuyển ra Bắc điều trị. Chuyện mãi đến sáng, rồi chúng tôi chia tay, không biết có còn gặp lại nhau nữa hay không, chiến tranh mà.

          Cuối ngày 22/4, nhóm chúng tôi được giao liên đưa đến căn cứ của Liên quận ủy, gặp chú Mười Hương. Sau khi xem giấy giới thiệu của TTXGP, chú Mười yêu cầu chúng tôi phải mua xuồng để hành quân theo kịp đoàn quân, vì từ lúc này tình hình đang chuyển gấp, cần phải áp sát Sài Gòn.

          May mắn thay, tôi liên hệ được với đoàn hành quân của Khu Đoàn Sài Gòn do anh Năm Nghị (Phạm Chánh Trực) làm Bí thư và được các anh cho đi ghép, nên không phải mua xuồng nữa. Đồng chí Phạm Chánh Trực sau này từng làm Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi về hưu là Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương.

          Giữa tháng 4 là mùa con nước cạn, nền nhiều con kinh cạn nước. Để hành quân nhanh, lãnh đạo Liên quân chỉ đạo đắp từng con kinh rồi bơm nước vào cho xuồng đi. Mọi người ngồi trên xuồng hồ hởi lắm vì không phải lội sình, lại có khí thế, nghĩ rằng đợt này ta sẽ chiến thắng chứ không như đợt Mậu Thân 1968.

          Ngày 26/4, chúng tôi về đến một xã thuộc huyện Bình Chánh. Tại đây, ban ngày chúng tôi được lệnh ém quân, mắc võng trong rừng dừa nước hay dưới gốc cây bình bát, tối đến hành quân dưới kinh. Đêm 26, chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Sòn mở màn. Cả trời đêm vùng ven Sài Gòn bừng sáng vì các loạt đạn pháo quân ta nã vào các căn cứ địch và vì pháo sáng do máy bay địch phóng ra. Trên các cánh đồng nhiều toán bính sĩ Việt Nam Cộng hòa rã ngũ dáo dác chạy về quê. Trên trời khu vực chúng tôi hành quân, các loại máy bay từ bà già, đến trực thăng của địch quần đảo không ngừng.

          Ngày 29/4, chúng tôi tập kết tại một địa điểm thuộc xã Tân Tạo (hay Tân Túc gì đó)thuộc huyện Bình Chánh. Ngay trong đêm, chúng tôi được lệnh nấu cơm ăn trước 5 giớ sáng và tại đây chúng tôi được phát mỗi người một khẩu súng Carbine hoặc AR15, M16… chuẩn bị cho ngày mai tiến vào nội thành.

          Sáng sớm 30/4, từ 6 giớ sáng chúng tôi lên đường. Nhưng chỉ ít phút sau chúng tôi bị lính trong đồn Tân Tạo bắn ra như vãi đạn. Chúng tôi bắn đáp trả. Sau hơn 20 phút, lính trong đồn không còn bắn ra nữa. Đến khoảng 8 giờ sáng chúng tôi tiến vào đường Bình Thới nơi có trụ sở quận 11. Không gặp kháng cự của địch, chúng tôi nhanh chóng làm chủ trụ sở quận 11. Đây là trụ sở mới được xây dựng khang trang, bao gồm cả một đồn cảnh sát và một kho hậu cần của cảnh sát quận.

          Lúc này, các đường phố mà chúng tôi đi qua, không có một bóng người, mọi nhà dân đều cửa đóng then cài, đâu đó vẫn còn tiếng súng.

          Như vậy, trụ sở quận 11 là cơ quan hành chính cấp quận đầu tiên trên toàn thành phố Sài Gòn, được lực lượng cách mạng làm chủ trong buổi sáng ngày 30/4.

          Khoảng 9 giờ sáng, tôi yêu cầu nhóm kỹ thuật dựng ăng ten để phát báo cáo vể tổng xã GPX. Báo cáo này dài khoảng 500 chữ, thông báo về tình hình khu vực mà chúng tôi đang đứng chân.

          Lâu nay cứ đến gần ngày 30/4, các phương tiện truyền thông đều nói nhiều về các mũi tiến công của các binh đoàn chủ lực cuả quân đội ta. Đúng là trên chiến trường các binh đoàn chủ lực là những quả đấm thép, tạo ra thế và lực, làm thay đổi cục diện chiến trường. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến việc nổi dậy làm chủ các địa bàn của các lực lượng dân chính đảng tại chỗ. Ngay tại Sài Gòn, bộ đội chủ lực chỉ làm chủ các vị trí trọng yếu như Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu hay Tổng nha cảnh sát, còn các cơ sở ở các quận, huyện, xã phường chủ yếu là do lực lượng dân chính đảng kiểm soát và chính đây mới là nền tảng của việc làm chủ tính hình sau 30/4.

          Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, việc làm báo có muôn vàn khó khăn so với bây giờ. Trong cuộc hành quân tham gia giải phóng Sài Gòn, những khó khăn lại nhân lên gấp bội. Điều này khác xa với việc phóng viên đi theo các cánh quân chủ lực, luôn có phương tiện để gửi tin, bài về tổng xã. Còn đi chiến dịch, nếu không mang máy thu phát theo thì phóng viên bị bó tay, nhưng mang máy theo thì lại gặp khó là nếu phát sóng sẽ bị đich phát hiện và cho máy báy đến ném bom hoặc pháo kích. Do đó lãnh đạo đơn vị không đồng ý cho phát sóng, hoặc nếu cho thì phải ở cách xa nơi đóng quân. Thêm nữa, muốn phát sóng phải có chỗ để dựng ăng ten. Mà ở Đồng Tháp Mười thì lấy đâu ra cây cao mà dựng ăng ten.

          Bản thân tôi đã tham gia nhiều chiến dịch quân sự lớn như chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch giái phóng Campuchia và các chiến dịch tảo thanh lực lượng Pôl Pôt ở Tây Bắc Campuchia…  Khi ở Bắt đom boong của Campuchia, máy phát 15 W phát huy tối đa tác dụng, do có nguồn điện tại chỗ và nhiều nhà tầng để dựng ăng ten. Còn trong chiến dịch Hồ Chí Minh, nguồn điện cho máy thu phát là từ Ragono và không có chỗ dựng ăng ten. Ai đã từng quay máy ragono thì biết việc này cực nhọc như thế nào. Mới đầu quay thì máy khá nhẹ như đạp xe đạp bình thường, nhưng khi điện báo viên bắt đầu gõ ma nip thì máy ragono nặng vô cùng như bị ai đó hãm phanh lại. Nói ra điều này để cho thấy ngày nay làm công tác phóng viên nhàn hơn thời chiến tranh rất nhiều. Có điện thoại thông minh và có mạng là có thể thu phát tin, ảnh ngay lập tức, kịp thời hướng dẫn dư luận. Thời chúng tôi có nằm mơ cũng không thể hình dung ra được.

          Sau khi làm chủ địa bàn quận 11, tôi báo cáo với lãnh đạo địa bàn và xin phép tìm về trụ sở Việt Tấn xã trên đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Sáng 1/5, tôi đi nhờ xe Hondo của một người dân Sài Gòn đến cơ quan Việt Tấn Xã và gặp được các đồng chí lãnh đạo như Đào Tùng, Trần Thanh Xuân. Các đồng chí yêu cầu nhóm chúng tôi trở về cơ quan. Chiều 1/5 tôi đưa toàn bộ nhóm trở về 120 Hồng Thập Tự, an toàn và đầy đủ trang thiết bị được cấp phát, hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.

          Trước đó, khi từ Việt Tấn xã quay lại quận 11, khi đi ngang qua một con phố tại quận 3, thấy có một đám đông người đang hôi của tại một căn biệt thự lớn. Tôi cho dừng xe và yêu cầu mọi người giải tán. Nhiều người sau đó đã làm theo yêu cầu của “chú giải phóng”. Một lát sau, người lái xe ôm cho tôi biết ngôi nhà đó là của Đại tướng Cao Văn Viên, người bỏ chức Tổng Tham mưu trưởng quân đội VNCH và đã chạy ra nước ngoài trước đó chỉ vài ngày, nhưng trong gara còn một chiếc xe Jeep mới tinh. Tôi hỏi người lái xe ôm có biết lái ô tô không, anhcho biết đã từng lái xe. Thế là tôi và anh ta cho xe Honđa lên chiếc xe Jeep lái đi. Đây là chiếc xe Jeep 6 máy còn rất mới, trên xe còn gắn máy thu phát PRC 125. Ba đờ sóc phía trước có sơn 4 ngôi sao vàng, cấp bậc của Đại tướng của Cao Văn Viên. Được biết cả miền Nam khi đó phổ biến là loại xe Jeep 4 máy, Mỹ chỉ cung cấp cho VNCH 8 xe Jeep loại 6 máy, trong đó có chiếc của Cao Văn Viên.

          Sau này trong chiến dịch giải phóng Campuchia cuối năm 1978, nhóm của tôi lại được đi trên chiếc xe chiến lợi phẩm này rong ruổi từ thành phố Hồ Chí Minh ra miền Trung rổi lên Tây Nguyên đánh sang khu Đông Bắc Campuchia. Trên đoạn đường quốc lộ số 14 từ Ngã ba Phú Tài (Quy Nhơn) lên Tây Nguyên, lái xe Hoàng Văn Sửu có lúc cho xe chạy đến tốc độ 140 dặm/giờ, tức là hơn 200 km/giờ. Một chiếc xe rất đáng quý.

          Nay có lẽ chiễc xe đã bị thanh lý do quá thời hạn sử dụng. Nhưng nếu tìm được nên phục hồi lại làm vật trưng bày tại nhà truyền thống của TTXVN ở B2, hoặc đưa sang Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, hay Bảo tàng báo chí Việt Nam, vì nó có thể là vật trưng bày nhiều ý nghĩa.

          Trong cuộc đời làm báo gần 40 năm ở TTXVN, có lẽ việc tham gia hai chiến dịch lịch sử là giải phóng Sài Gòn và giải phóng Campuchia là những kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi. Hôm nay, nhắc lại những kỷ niệm không thể nào quên thời xa xưa ấy tại dịp đặc biệt này, tôi muốn nêu lại một thời làm phóng viên chiến trường của một lớp phóng viên khi ấy còn rất trẻ, đã góp một phần nhỏ bé làm thắm thêm truyền thông ba lần anh hùng của ngành thông tấn Việt Nam.

    N.C                                                                      

Bạn đang đọc bài viết "Chúng tôi đi chiến dịch giải phóng Sài Gòn" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn