Chung sức, đồng lòng chống dịch

Nhóm Phóng viên thường trú

24/07/2021 09:36

Theo dõi trên

TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và nhiều tỉnh khu vực phía nam đang căng mình đối mặt với đại dịch Covid-19 tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", cùng với hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân những ngày này đã chung lưng đấu cật, đoàn kết, sẻ chia, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ, và cùng các ban, ngành, lực lượng chức năng tham gia chống dịch Covid-19.

chung-suc-1627094147.jpg
Ðại diện Tịnh xá Ngọc Ðức phát cơm cho người lao động nghèo tại TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: CẨM NHUNG

Lan tỏa sức mạnh vì cộng đồng

Sáng 22/7, Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ xuất quân lực lượng tình nguyện các tôn giáo tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Tham gia hoạt động này có 299 tình nguyện viên (đợt 1) đại diện cho gần 700 tình nguyện viên thuộc các tổ chức tôn giáo đăng ký tham gia phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện hồi sức Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Ðệ nhất Phó Pháp chủ, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh, trực tiếp trụ trì chùa Ấn Quang (quận 10) chia sẻ: Lúc này, người phật tử cần không dao động mà nên cân nhắc, suy nghĩ làm sao cho dịch bệnh qua nhanh, chúng ta trở về cuộc sống đời thường. Chúng ta càng lo lắng, sợ hãi mà không biết nguồn gốc, cách lây nhiễm; không biết phòng, chống đúng cách thì dịch bệnh càng nguy hiểm. Chỉ có cách đồng tình giãn cách, chấp hành cách ly, triệt để tránh tụ tập… thì dịch bệnh không làm gì được chúng ta. Thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã thực hiện công tác từ thiện xã hội với tổng số tiền gần 1.900 tỷ đồng; ngoài ra, còn hỗ trợ 300 tấn gạo, 65 căn nhà tình thương, 43 cây cầu, trao hơn 1.000 suất học bổng, hỗ trợ mổ mắt cho hơn 15.000 người có hoàn cảnh khó khăn…

Trong đại dịch, Giáo hội phối hợp MTTQ các quận, huyện tổ chức trao tặng 100 tấn gạo, 10.000 thùng mì với tổng trị giá khoảng 3 tỷ đồng đến bà con nghèo, người gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn. Quỹ Ðạo Phật ngày nay đã trao tặng 23 tấn khoai, 18 tấn gạo, nhiều phần cơm chay cho người dân đang thực hiện cách ly y tế…

Linh mục Nguyễn Ðình Thục, Giáo xứ Vinh Sơn (6), quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết: Ngay khi làn sóng dịch thứ tư bùng phát tại thành phố, Giáo xứ đã thực hiện rất nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch. Thông qua các kênh, Giáo xứ thường xuyên tuyên truyền đến 2.000 giáo dân các thông tin về dịch, các biện pháp 5K của Bộ Y tế để phòng, chống dịch bệnh. Từ ngày thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Giáo xứ vẫn tổ chức phát các phần thực phẩm, hàng hóa từ thiện cho người dân nghèo trên địa bàn nhưng việc triển khai luôn quy củ, nghiêm túc.

Sát cánh cùng công nhân, người lao động (NLÐ) tại Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Ðại Dũng ở huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) đang thực hiện phương án "ba tại chỗ", trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho hay: Ðoàn viên công đoàn, NLÐ trong DN luôn nhất trí, đồng lòng, ủng hộ các biện pháp, phương án phòng, chống dịch Covid-19 của chính quyền cũng như của DN đưa ra. Thực hiện phương án "ba tại chỗ", Công đoàn cơ sở cùng lãnh đạo công ty đã nghiêm túc phòng, chống dịch; trang bị đầy đủ các điều kiện cho NLÐ yên tâm sinh hoạt, ăn ngủ, làm việc tại công ty. Anh Hoàng Quốc Việt, công nhân bộ phận dập, Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, TP Thủ Ðức) tâm sự: Khi công ty bảo đảm quy định phòng, chống dịch bệnh, duy trì hoạt động theo phương án "ba tại chỗ", tôi và vợ tôi (làm chung bộ phận) đã thu xếp việc nhà và sẵn sàng đăng ký tham gia...

Sự vào cuộc rộng khắp

Ðồng chí Lâm Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Nhiều mô hình, cách làm hay, thiết thực được các cấp Hội ở thành phố thực hiện suốt mùa dịch, nhất là khi đợt dịch thứ tư bùng phát. Hội đã trao tặng 576.843 suất ăn cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch và người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Cùng nội dung chia sẻ, anh Lê Hoàng Minh, Trưởng Ban Công nhân Lao động Thành đoàn TP Hồ Chí Minh cho biết: Ðồng hành trong cuộc chiến chống dịch, tuổi trẻ thành phố đã triển khai những chuyến xe nghĩa tình trao tặng 35 tấn gạo, hàng trăm tấn nhu yếu phẩm cho gần 24.000 người dân, công nhân có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do trên địa bàn. Ðó là việc vận động chủ khu lưu trú giảm, miễn tiền, gửi lượng lớn suất ăn miễn phí đến các bệnh viện dã chiến. Tại khu phố 2, phường Phước Long B, TP Thủ Ðức (TP Hồ Chí Minh), nơi có nhiều hộ gia đình khó khăn và người thuê trọ bị mất việc khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bí thư Chi bộ khu phố Lê Ðình Cảnh cho hay: "Khi dịch ập đến, chúng tôi đã nhanh chóng nắm danh sách, kịp thời hỗ trợ nhiều trường hợp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Khu phố còn thường xuyên động viên bà con luôn vững niềm tin vượt qua khó khăn của đại dịch…

Tại nhiều địa phương khác, với phương châm "sống tốt đời - đẹp đạo", các tổ chức tôn giáo, cơ sở thờ tự đã vận động chức sắc, chức việc, tín đồ thực hành nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, tạm dừng sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người… Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu Trịnh Thanh Phong cho biết, đồng bào các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa trong tỉnh không phân biệt nam nữ, già trẻ, tôn giáo, dân tộc đều ý thức trách nhiệm của mình trong thời điểm này; cùng chung tay, góp sức, ủng hộ vật chất và tinh thần để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch. Tại tỉnh Sóc Trăng, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer đã treo bảng thông báo tạm dừng đi khất thực của chư tăng để tránh tiếp xúc với nhiều người...

Tiên phong sức trẻ tình nguyện

Nhằm hỗ trợ người dân trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tại TP Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp đã cho ra mắt 11 đội Shipper áo xanh. Tùy vào điều kiện thực tế và nhu cầu tại địa phương, mỗi đội có từ năm thành viên trở lên, do Bí thư hoặc Phó Bí thư xã đoàn, đoàn phường làm đội trưởng. Các đội công khai số điện thoại, hỗ trợ mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và giao tới các gia đình trong vùng phong tỏa; các gia đình có người già yếu, trẻ nhỏ, người thân đi cách ly tập trung; các hộ có người cách ly y tế tại nhà. Ngoài ra, đội còn hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm, các phần quà từ nhà hảo tâm đến nơi tập kết, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; vận chuyển thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch và hỗ trợ đưa người đi cấp cứu đối với các trường hợp khẩn cấp. Văn Thị Diệu Hiền, Shipper (người giao hàng) sinh năm 1991 ở xã Mỹ Trà, TP Cao Lãnh chia sẻ, trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn này thì thanh niên cần phải phát huy sức trẻ và nhiệt huyết của mình, giúp đỡ mọi người. "Em sẽ tiếp tục đồng hành với những mảnh đời yếu thế để họ có được bữa cơm no, để không ai bị bỏ lại phía sau".

Trong thời gian dịch bệnh bùng phát ở TP Cần Thơ, nhiều tổ chức, cá nhân đã có những việc làm đầy nghĩa cử. Nổi bật nhất là hoạt động của những người trẻ ở thành phố này. Luật sư trẻ Trần Nguyễn Duy Thăng, Ðoàn Luật sư TP Cần Thơ - Admin nhóm "Cần Thơ - giúp nhau mùa dịch" với 9.156 thành viên trên mạng xã hội Facebook cho biết, mục tiêu lập nhóm là để hỗ trợ thông tin và giúp đỡ người dân thành phố. Thông qua các thành viên nhóm, những hoàn cảnh khó khăn, người lao động nghèo tại các khu bị phong tỏa tạm thời, khu cách ly được anh em phụ trách nhóm nắm bắt kịp thời, hỗ trợ nhanh chóng.

Anh Phương Tấn Ðạt, Bí thư Ðoàn Trường THPT Thái Bình Dương, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP Cần Thơ chia sẻ: Sau khi dịch bùng phát, nhóm của Ðạt với 17 thành viên (đều đã tiêm 2 mũi vắc-xin Covid-19) tổ chức hai hoạt động mang tên Bếp ấm và Chuyến xe yêu thương. Trong vòng 20 ngày qua, Bếp ấm nhận được sự chung tay đóng góp của bà con, nhà hảo tâm để nấu hơn 15.000 phần cơm hỗ trợ cho các lực lượng tại các chốt kiểm dịch trên địa bàn toàn thành phố.

"Chúng tôi hướng đến ba nhóm đối tượng: là những người cần giúp đỡ tại các khu vực phong tỏa, sinh viên, công nhân lao động và NLÐ có thu nhập thấp. Chuyến xe yêu thương đã trao hơn 4.000 phần quà cho các khu phong tỏa. Nhiều người mang rau, củ tới ủng hộ thì nhóm em tặng rau, củ cho bà con nghèo, cho các bạn sinh viên. Ngoài ra, Chuyến xe yêu thương còn tham gia "giải cứu" nông sản đang tới vụ thu hoạch mà không bán đi đâu được. Nhóm sẽ thu mua rồi đem về tặng miễn phí", Phương Tấn Ðạt
tâm sự.

Hành trình tiếp nối những chuyến xe nghĩa tình, những tấm lòng vì cộng đồng như thế vẫn được duy trì, thúc đẩy lan tỏa trong nhiều ngày tới.

Nhóm Phóng viên thường trú

Bạn đang đọc bài viết "Chung sức, đồng lòng chống dịch" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn