Câu chuyện tình “có một không hai”

Đỗ Quang Bình

01/07/2022 09:32

Theo dõi trên

Sau ngày ký kết Hiệp định Pa ri về Việt Nam (tháng 01 năm 1973), đơn vị chúng tôi về huấn luyện, gần với khu vực Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở vùng giải phóng Quảng Trị.

chuyen-tinh-1656642560.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Là đơn vị đặc công, chúng tôi có những khoa mục tập bơi, lặn dưới nước để phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu.. Thao trường tập luyện dưới nước của chúng tôi, là một đoạn trên sông Cam Lộ, nơi có dòng suối La La nổi tiếng chảy vào.

Như thường lệ, chiều hôm ấy chúng tôi tập luyện lặn tiếp cận mục tiêu theo quy định. Mục tiêu giả định của chúng tôi cần đến, là một cái "nhà tắm" sơ sài, ghép bằng lau sậy bên cạnh mép sông Cam Lộ. Vị trí ấy, thỉnh thoảng bọn con trai ra tắm, chúng tôi hay vào đó thay quần áo. Nhưng buổi tập của chúng tôi xảy ra sự cố...

Đoàn nữ chiến sĩ Trường Sơn, sau một ngày ngồi xe mệt nhoài, về nghỉ bên khu lán trại, cách bờ sông khoảng một trăm mét. Cuối chiều, một tốp chị em ra sông tắm. Dòng sông yên tĩnh, thơ mộng. Có cô vui vẻ ngân nga câu hát:

“Đây dòng suối La La/nước trong xanh hiền hòa/chảy xuôi về sông Cam Lộ...”...

Thấy trời đã hơi muộn, vắng lẻ, lũ con gái thì thầm bảo nhau, tụt hết quần áo vắt lên “nhà tắm” rồi lao mình xuống dòng sông... Nước trong mát ngấm vào cơ thể, làm cho chị em cảm thấy như đã xua tan hết mệt mỏi, sau một ngày hành quân. Đoạn sông chị em xuống tắm là một bãi cạn, nước chỉ ngập đến ngực, đến vai. Lũ con gái trẻ hồn nhiên, đang quây quần bên nhau nghịch ngợm, so sánh xem da đứa nào trắng hơn, ngực đứa nào to hơn. Thấy ngực đứa con gái to nhất, con bạn xem ra có vẻ từng trải bảo:

- Mày cho thằng nào nó bóp rồi hả?

Cô nàng giãy nảy:

- Làm gì có. Đi đâu chẳng có tổ tam tam, đêm về thì ngủ cả lũ với nhau. Đang tuổi yêu đương, thèm muốn chết.Nó cãi lại.

Chị Chi tiểu đội phó, bảo:

- Thôi, nếu thèm quá thì cho con trai nó sờ ngực, nó bóp một tí cũng được. Nhưng mà cấm tuyệt đối, không được cho con trai mò mẫm “cô bé”, nó sờ sệt xuống dưới được, bấy giờ không chịu đựng nổi, chửa ra là bị kỷ luật đấy, chúng mày nhé...

Các cô gái trẻ đang vô tư, vui vẻ, tếu táo chuyện đời thường,. Bỗng dưng một đứa phát hiện ra hai ba cái hình thù kỳ dị, đang lùi lũi lao ngầm dưới mặt nước, đến gần chỗ bọn họ... vội hét thất thanh:

- Ối ma!..

Cả lũ con gái rồi cũng nhìn thấy, họ nhào vội lên bờ, trên người không ai có một mảnh vải...

Cô gái nhìn thấy trước tiên, hét không thành tiếng ấy, sợ quá lăn đùng ra, trôi đi theo dòng nước...

Mấy chị em chạy được, khi hoàn hồn, vội vơ quần áo mặc lên người. Chợt có người kêu lên::

- Ôi con Cúc nó bị trôi rồi!...

Vừa bị bất ngờ và cũng hoàn thành nhiệm vụ tập luyện, những người lính đặc công đã nổi lên. Biết có người bị nạn, các anh vội vàng bơi theo dòng nước, cứu người con gái đang trôi.

Hưng lao đi nhanh nhất. Anh bơi đến túm được mái tóc cô gái, dìu cô vào bờ, bên dưới chỗ các cô tắm hơn 100 mét. Mấy đồng đội nam, cũng bơi đến kịp thời hỗ trợ cấp cứu. Họ vác chân cô gái lên, nước từ miệng ộc ra, mặt cô phờ phạc, tóc tai rũ rượi... Không ngại ngần, Hưng ấn tim ngoài lồng ngực và cúi xuống, ghé miệng của mình để thổi ngạt cho cô...

Dăm phút thực hành các biện pháp sơ cứu tích cực, cô gái cựa quậy rồi mở mắt choàng tỉnh. Cô ngượng ngùng thấy mình trần như nhộng, toàn thân không có một mảnh vải, cô co rúm người lại, ôm mặt khóc nức nở. Vừa may, chị em cũng chạy tới, đem quần áo đến mặc cho cô. Những chiến sĩ đặc công cũng đã mặc xong quần áo, che hình hài khỏa thân của mình. Các anh thay nhau cõng bệnh nhân vào viện quân y 43 của Mặt trận, cách đó cũng không xa...

Đêm ấy, Hưng xin phép đơn vị đến thăm Cúc ở bệnh viện. Bây giờ, cô đã  tỉnh táo, nói chuyện được. Đêm nay Chi ở cùng với Cúc trong bệnh viện. Chị Chi hỏi thăm:

- Anh Hưng quê ở đâu?

- Tôi ở Hà Tĩnh cô ạ. Hưng trả lời.

- Vậy anh đồng hương với cái Cúc rồi, nó ở Thạch Hà... Chi vui mừng nói.

Nghe tin anh Hưng cùng quê với mình, Cúc mừng nhưng lại ngại về chuyện ban chiều. Cúc khẽ khàng hỏi thăm:

- Thế anh Hưng quê ở huyện nào?

- Anh quê Nghi Xuân, cùng xã cụ Nguyễn Du...

Để cho hai bạn nói chuyện được tự nhiên, Chi đi ra ngoài hóng mát. Gần một tiếng đồng hồ sau, bác sĩ vào khám lại cho bệnh nhân, thông báo:

- Tình trạng bệnh nhân nói chung ổn định rồi, nhưng cần phải theo dõi thêm viêm nhiễm hô hấp. Bệnh nhân chưa thể ra viện ngay được, phải theo dõi thêm vài ba ngày nữa...

Đơn vị của Chi ngày mai phải tiếp tục hành quân, không thể ở lại. Đang lúc chưa biết giải quyết cách nào, Hưng nêu ý kiến:

- Ngày mai Chi cứ đi cùng đoàn. Tuy không cùng đơn vị, nhưng lại là đồng hương, tôi về xin phép thủ trưởng săn sóc Cúc thay các bạn, chúng mình đều là lính, là đồng đội với nhau cả mà...

- Vâng thế thì may quá. Chi không biết nói gì hơn, chỉ biết thay mặt đơn vị nói lời cảm ơn...

Những ngày sau, Hưng đến thăm Cúc. Khi anh tranh thủ ghé qua các quầy tạp hóa nhỏ, nghèo nàn ở vùng mới giải phóng, mua cho cô lúc thì mấy quả dưa chuột, bắp ngô hay là nải chuối chín... món quà nhỏ bé, nhưng chứa chan tình đồng đội, đồng hương.

Ngày mai Cúc ra viện, đêm nay Hưng đến thăm để chia tay bạn. Hưng và Cúc ra căn hầm thùng bên ngoài buồng bệnh tâm sự. Cúc manh dạn hỏi thăm:

- Anh Hưng có hay nhận được tin tức gia đinh không? Cha mẹ anh có manh khỏe không?

- Có, anh cũng nhận được luôn. Hưng trả lời. Bây giờ ra ngoài mình dường thông suốt đi thẳng qua cầu Hiền Lương, tiện lắm rồi. Nếu gửi thư từ tiện chuyến, có khi chỉ năm bảy ngày là nhận được. Cha mẹ anh cũng ngoài sáu mươi rồi, anh là con út..

Cúc lại hỏi tiếp:. .

- Vậy nhà anh được mấy anh chị em, chắc các anh chị cũng đều có gia đình cả rồi?

- Nhà anh được ba anh chị em. Hưng kể. Anh cả bị hy sinh ở Khe Sanh năm sáu tám. Chị gái anh lấy chồng có hai cháu rồi, ở cùng quê.

Rồi Hưng cũng hỏi thăm tình hình gia đình, cha mẹ và anh em của Cúc.:

- Thế là hai anh em mình giống nhau cùng là con út. Em chưa có người yêu, làm bạn gái anh nhé?

Cúc ngượng nghịu:

- Anh đừng cười, buổi chiều hôm ấy... em xấu hổ lắm...

- Có gì mà ngại hở em. Hưng chân thành. Lúc ấy giữa cái sống và chết, mình không cấp cứu kịp thời, thì làm gì em còn sống đến hôm nay? Mà chúng mình là những người đồng chí chung một chiến hào... Nói rồi, Hưng mạnh bạo ôm chặt Cúc vào lòng., trái tim hai người đập thình thịch dội vào ngực nhau.

Đoạn Hưng lại nói tiếp:

- Ngày mai em ra viện, anh không thể đến tiễn chân em được. Anh chúc em về đơn vị mạnh khỏe, an lành.

Hưng đưa cho Cúc tờ giấy ghi địa chỉ hồm thư và gia đình của mình. Anh cũng lấy địa chỉ của Cúc, để hai người liên lạc với nhau. Anh hỏi ý kiến Cúc:

- Em đồng ý làm người yêu của anh nhé, sau ngày hòa bình anh sẽ về thăm gia đình của em... Sau một nụ hôn bỏng cháy, thật dài, đôi bạn trẻ tạm biệt nhau. Cúc xúc động, nói nhẹ nhàng như hơi thở bên tai Hưng:

- Vâng, anh cho em thời gian suy nghĩ!...

Thư từ qua lại, mấy tháng sau Cúc nhận lời yêu Hưng. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người chiến sĩ đặc công nay đã là thương binh trở về quê hương. Một tay anh để lại ở chiến trường. Sau ba năm vào tuyến lửa, Cúc cũng được về phục viên. Gặp lại nhau, anh chị vô cùng mừng rỡ. Tuy người yêu của chị không còn lành lặn, nhưng vẫn còn may mắn hơn bao nhiêu người lính khác, Hưng vẫn còn đem trái tim yêu thương về cho chị.

Gia đình hai bên tổ chức thành hôn cho hai người chiến sĩ, trong sự vui mừng của họ hàng và bạn bè thân thiết. Rồi vợ chồng Hưng – Cúc sinh được hai người con trai. Anh chị đặt tên cho con là Trường và Sơn, để kỷ niệm tình yêu của bố mẹ, được duyên trời xe nơi mảnh đất miền trung, trên con đường đi đánh giặc. Sau này trưởng thành, Trường xung phong vào bộ đội, tiếp tục theo cha làm lính đặc công nước, say mê luyện tập, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ bình yên Tổ quốc. Còn Sơn, học ngành giao thông vận tải, anh lại đến Trường Sơn, thi công những con đường mới, để góp phần phát triển kinh tế đồng bào các dân tộc Tây nguyên...

Những đêm vui vẻ, nằm bên cạnh vợ, Hưng thường hay trêu đùa Cúc:

- Anh bây giờ chỉ còn một tay để chăm sóc đôi “ngọn núi” của em thôi , đừng buồn em nhé. Anh hứa sẽ làm việc bằng hai, để chăm sóc, bù đắp cho em, không để em chịu thiệt thòi...

Cúc đấm thùm thụp vào người chồng:

- Gớm ông tướng ạ! Chưa hỏi han gì người ta bóp ngực người ta đau đến muốn chết, lại còn ghé miệng vào hôn. Đúng là bạo như lính, không biết xấu hổ là gì!?

Rồi Cúc cũng thủ thỉ những lời sâu lắng từ đáy lòng mình:

- Có sao đâu anh. Chồng người ta khỏe mạnh, lành lặn, có đủ tay, chân...  mà nhiều người họ đi ra ngoài bồ bịch, thì còn chán hơn ấy chứ. Gia đình như thế còn gi là hạnh phúc. Dù anh chỉ còn một tay, hay không còn tay nào đi chăng nữa, vì anh bị tàn phế bởi chiến tranh. Em chỉ cần anh dành cho mẹ con em nguyên vẹn trái tim và tình yêu... Thế là mãn nguyện lắm rồi. em chẳng cần gì hơn. Phải không anh?

Hưng xúc động, một tay ôm chặt đầu Cúc vào với mình hơn. Anh thầm cảm ơn duyên số định mệnh, đã đưa hai người đến với nhau, từ chính ở mảnh đất bom đạn Quảng Trị, đúng là tình yêu “có một không hai”.

(Bài viết tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh và chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày TBLS 27/7/1947 – 27/7/2022)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Câu chuyện tình “có một không hai”" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn