Cái duyên tên Thành ở đội bóng Công an Hà Nội

Hồ Công Thiết

07/06/2022 21:08

Theo dõi trên

Ông Ngô Đông Thành, cựu cầu thủ Công an Hà Nội, vừa tạ thế hồi 11h53 ngày 7/6/2022. Tang lễ sẽ cử hành hồi 15h00 ngày 8/6/2022 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội. Xin thành kính chia buồn cùng Tang quyến và xin đưa lại kỷ niệm về những cầu thủ tên Thành đã từng khoác áo đội bóng đá Công an Hà Nội.

lua-cahn-2-1654615645.jpg
 
Đông Thành (hàng đứng từ trái sang, thứ 8) và các cựu cầu thủ CAHN

 

Đội bóng đá Công an Hà Nội (CAHN - 1956 – 2002 ) thật có duyên với những người tên Thành.

Lứa 1971 ở đội bóng đá CAHN có ông Nguyễn Văn Thành mang nghệ danh là Thành “bói” vì có cụ thân sinh thời Pháp thuộc hành nghề bói toán ở phố Ngõ Huyện. Ông Thành ‘bói’ sau về đá cho đội Sở Điện lực Hà Nội rồi nghỉ hưu tại Điện lực Đống Đa.

Ông Ngô Đông Thành, thường gọi là Đông Thành. Nghỉ hưu tại Công an thành phố Hà Nội nhưng là đại gia nhờ chí thú cùng vợ làm ăn khi được thừa hưởng quyền thầu bể bơi Tăng Bạt Hổ và một quán ăn cũng trên phố này do cụ thân sinh là cựu vận động viên bơi lội Hà Nội nhận khoán thành công.

Ông Đoàn Thành còn gọi là Thành “dế”. Ông này con thày dạy toán nổi tiếng Đoàn Nồng từ Huế tập kết ra Bắc. Ông này vào đội CAHN muộn nhất trong lứa, tận đầu năm 1973, khi đội bóng sơ tán về trường Chu Văn An năm 1972. Đội khi đấy ở 116 Quan Thánh, rất gần với nhà máy điện Yên Phụ, trọng điểm của Mỹ trong đợt không kích Hà Nội năm 1972. Thấy cùng trang lứa ngày ngày được đá bóng trên sân Chu Văn An (ngay sát nhà ông này), ông cùng Tuấn Sơn (sau đá Cảng Sài Gòn) bỏ giảng đường Đại học Bách khoa để xin vào đội bóng. Ông nghỉ hưu từ Công an quận Đống Đa.

Nhiều năm sau có anh chàng thủ môn có body (thân hình) rất đẹp và vẻ mặt lãng tử Trần Văn Thành về đội từ đội bóng Công an Hải Phòng. Ông là thành viên trong đại gia đình các thủ môn nổi tiếng của Việt Nam như Vĩnh, Khánh, Trung “mán”… Ông được đặt nghệ danh là Thành sport. Hồi đấy anh em trong đội không thạo tiếng Anh nên cứ nôm na là Thành xì-po cho dễ gọi. Ông nghỉ hưu từ đội Văn- Thể, phòng CTCT Công an thành phố Hà Nội.

Lứa sau nữa có Nguyễn Việt Thành, đang làm phó CA phường ở Thanh Xuân và Phạm Ngọc Thành, chủ tịch FC Trần Hưng Đạo. Hai ông này còn trẻ nên vẫn “đá hay mọi nhẽ”, nhất là ông Thành đang ở CA quận Thanh Xuân. Với hai ông này, anh em trong đội cũng không nhớ ông nào là Thành “vốt” xịn và ông nào là Thành “vốt” nhái, nhưng nhiều người khẳng định ông Phạm Ngọc Thành mới là Thành “vốt” thứ thiệt.

Đến khóa chốt hậu của CAHN vẫn có người mang tên Thành với biệt danh dễ thương là Thành “gà tre”. Nguyễn Tuấn Thành hay Tuấn Thành là tiền đạo nổi tiếng với lối đi bóng cực kỳ lắt léo và đã đoạt ngôi Vua phá lưới của Cúp quốc gia năm 1995.

Trước đó, thế hệ thứ 2 của đội Công an Hà Nội, gia nhập đội bóng năm 1959 có ông Hoàng Xuân Thành, sinh năm 1939, được đặt nghệ danh là Thành A; ông Lai Thành sinh năm 1938 được đặt là Thành B.

Cụ Hoàng Nghĩa Đường, vô địch boxing Đông Dương, tham gia Nha công an vụ từ thời kháng chiến chống Pháp, được Sở Công an Hà Nội cử phụ trách đội bóng đá Công an Hà Nội.

Cụ Đường là người cực kỳ rạch ròi và nguyên tắc.

Để những người tên Thành trong đội được viết đúng cả trong hồ sơ lý lịch, cụ đặt tên họ theo thứ tự ABC.

Năm 1963, đội CAHN có thêm ông Từ Như Thành và ông này được gọi là Thành C.

Ông Thành A hâm mộ tính cách của cụ Hoàng Nghĩa Đường: Luôn nỗ lực trong tập luyện và mỗi khi đội bóng có những trận derby, khi lãnh đạo hỏi ai xung phong thi đấu trận này thì ông Thành A và ông Du “cò” luôn là 2 người trong đội giơ tay xung phong đầu tiên.

Nghỉ đá bóng, ông về phòng Cảnh sát giao thông. Từ chiến sỹ luôn được giao phụ trách ở những chốt trọng điểm, ông được rút về phòng làm cán bộ phụ trách đội.

Ông từng đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua của phòng CSGT Công an Hà Nội. Năm 1977, ông nhiều lần được trao băng thủ quân khi Sở Công an Hà Nội cử đội bóng đá vào các tỉnh phía Nam thi đấu.

Một chiều đông năm 1998, ông đã cùng ông Tô Hiền, khi ấy đang phụ trách đội bóng đá CAHN, và cùng các cựu cầu thủ Thọ “gáo”, Du “cò”, Thịnh “cơm”, Dư “còng”, Sơn “min” (khi đó ông Sơn “min” vẫn còn phụ trách bộ môn bóng đá trên Bộ Công an), bàn và quyết định thành lập đội bóng cựu cầu thủ CAHN.

Đội do bảy cựu cầu thủ (Thất tinh cầu thủ) thành lập, ngày nay vẫn duy trì hoạt động và còn được đón nhận thêm sự giúp đỡ của Ban chủ nhiệm CLB sỹ quan hưu trí CAHN cùng các cựu cầu thủ CAHN đang định cư ở nước ngoài hoặc ở các tỉnh thành khác trong cả nước.

Ông Lai Thành (Thành B) lại sống phóng khoáng, tự do.

Nhà có nghề sản xuất la bàn từ thời Pháp nên điều kiện kinh tế dư giả.

Ông hay mang chiếc xe đạp nam hiệu Sterling của Pháp, loại có hai râu phanh, lên đội. Cái gác baga (đèo người ngồi sau) ở xe ông Thành B đèo nam thì không sao nhưng hễ đèo bạn nữ là bị hỏng, buộc người đi nhờ phải ngồi lên gióng ngang xe đằng trước, khiến cả thân mình lọt trong vòng tay của người đạp xe.

Ông Lai Thành đá cho đội đại biểu học sinh Hà Nội từ năm 1956. Trong chuyến thi đấu tại Hải Phòng năm đó còn có ông Sơn “min”, về sau là tuyển thủ quốc gia, nhưng thời điểm đó luôn đá dự bị cho ông Lai Thành.

Ông Lai Thành sau giải nghệ về công tác tại công an khu Hai Bà Trưng. Ngoài công tác về chuyên môn, ông là người đầu tiên thành lập đội bóng đá Công an Hai Bà Trưng và có lẽ ông cũng là cựu cầu thủ CAHN đầu tiên, vẫn duy trì và phát triển “kinh tế tư nhân” thông qua nghề gia truyền của gia đình mình.

Hồi đó tôi hay xuống các quận huyện công tác và thỉnh thoảng đá hộ cho đội ông Lai Thành vài trận. Những lần đó ông Lai Thành bỏ tiền túi ra khao cả đội khi thắng trận. Tính ông là vậy. Gặp các bạn bè, nhất là các cựu cầu thủ, ông đều giành phần “chi”. Sống trên đất Hà thành mà ông cư xử như “anh Hai Sài Gòn”, vào cuộc vui là ông “chơi” hết mình.

Ông Từ Như Thành (Thành C) là Việt kiều từ Tân đảo về, vào đội năm 1963.

Ông đá vị trí trung vệ, vị trí ông từng đảm nhiệm khi còn đá ở New Caledonia (Tân đảo).

Ông có lối đá giàu chất kỹ thuật và hiện đại so với các trung vệ cùng lứa lúc bấy giờ. Lối đá của ông mang phong cách như trung vệ Rio Ferdinand của Manchester United, chậm rãi mà tỉnh táo, chắc chắn. Ông thuộc loại trầm tính. Tuy không mang nghệ danh là “coóc” như người em trai Từ Như Hiển, ở ông vẫn luôn toát lên vẻ lịch lãm, sang trọng của người phương Tây.

Khi giải nghệ, ông định cư ở nước ngoài nhưng ông lại là thành viên tích cực của Ban lãnh đạo đội cựu cầu thủ CAHN.

Thời bao cấp khó khăn, hễ có dịp về nước, ông lại đóng góp ít nhiều cho các hoạt động của đội. Lần ông về nước dưỡng thương sau khi thay khớp gối bằng nhựa, ông vẫn ủng đội cựu cầu thủ CAHN mấy trăm Mỹ kim, dù các bạn ông ai cũng cố từ chối mà không được.

Sơ sơ ở đội bóng CAHN mới nhớ có 10 ông tên là Thành, chưa đủ để lập đội hình cho sân 11 người. Thỉnh “cụ” nào còn nhớ bổ sung thêm đủ 11 người cho trận đấu chính quy theo quy định của FIFA hoặc nhiều hơn nữa để còn có người dự bị!

 

Bạn đang đọc bài viết "Cái duyên tên Thành ở đội bóng Công an Hà Nội" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn