Bắc Ninh: “Làn gió mới” trong bảo tồn di sản văn hóa

Thanh Lâm

29/08/2021 13:36

Theo dõi trên

Ứng dụng công nghệ vào bảo tồn di sản là hướng đi mới, phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại đang đặt ra. Số hóa di sản được xem như cầu nối quá khứ với hiện tại và tương lai, giúp thế hệ trẻ hiểu biết, gần gũi hơn với ông cha. Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch xu hướng chuyển đổi số càng được khẳng định tính ưu việt và hiệu quả trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

bao-ton-di-san-bbac-ninh-1630193357.jpg
Nội, ngoại thất di tích Quốc gia đặc biệt chùa Dâu (Thuận Thành) đã được số hóa

Bắc Ninh tiên phong số hóa di sản
Lịch sử, văn hóa các thời kỳ nối tiếp nhau tạo nên một Bắc Ninh giàu bản sắc, độc đáo, hấp dẫn và riêng có mà hiếm vùng miền nào có được. Những giá trị văn hóa đó đã kết tinh, trở thành di sản văn hóa vô giá là niềm tự hào của vùng đất Bắc Ninh song cũng đặt ra trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn cho muôn đời sau.
Bắt kịp xu thế thời đại, Bắc Ninh là tỉnh đi đầu trong cả nước triển khai số hóa tổng thể hệ thống di sản. Cụ thể, từ năm 2018 đến 2020, Bắc Ninh đầu tư gần 45 tỷ đồng cho Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa. Trong suốt ba năm qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển Khoa học kỹ thuật và các chuyên gia lĩnh vực cơ sở dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất để chuyển đổi số toàn bộ cơ sở dữ liệu di sản văn hóa Bắc Ninh. Quá trình thực thiện thường xuyên có sự tham vấn các nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Theo báo cáo sơ bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đề án cơ bản hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc, chỉ còn chờ hoàn thiện phần mềm để vận hành hoạt động. Đến thời điểm này, không gian, thuộc tính của 585 di tích đã được xếp hạng và nội thất 4 di tích quốc gia đặc biệt cùng các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh đã được thu thập và xây dựng thành ngân hàng dữ liệu dạng số tổng thể bao gồm: Hồ sơ khoa học về di sản, cơ sở dữ liệu không gian 3D, ảnh chụp đen trắng và màu; băng, đĩa ghi hình; các văn bản pháp lý có liên quan, các quy hoạch, kế hoạch, dự án tu bổ, tôn tạo di tích...
Cụ thể, đối với các di tích, hoàn thành thực hiện bay chụp thành lập mô hình số địa hình khu di sản (chụp phủ trùm ngoài ranh giới khu di sản từ 20 đến 50m, có di tích đến 100m); quét laze 3D mặt đất tổng quan trong ranh giới (khuôn viên) toàn bộ các khu di sản; quét laze 3D chi tiết, nội thất một số di sản quốc gia đặc biệt; quét 3D lưu trữ các hiện vật đặc trưng của một số di tích.
Đối với di sản văn hóa phi vật thể, hoàn thành thu thập và tư liệu hóa quét file tài liệu dạng giấy, dạng số 2D; các dữ liệu định dạng hình, tiếng của di sản văn hóa phi vật thể đều được lưu trữ để phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, phục dựng, thực hành về sau...

bao-ton-di-san-bbac-ninh1-1630193357.jpg
Ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất để số hóa các Bảo vật Quốc gia. Trong ảnh: Bảo vật Quốc gia Cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp

“Chạm màn hình” để tham quan di tích
Cuối năm 2020, Nhà sử học Dương Trung Quốc khi trao tặng Thư viện tỉnh Tài liệu địa chí điện tử tỉnh Bắc Ninh do ông và các cộng sự biên soạn, đã nhấn mạnh ý nghĩa giá trị và tính ưu việt của chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Sử gia khẳng định: Đây là sự kết hợp trí tuệ của nhiều ngành, lĩnh vực cùng tập hợp lại, nghĩ và làm những điều mà thế hệ trước chưa nghĩ tới. Việc làm này giúp truyền bá những vẻ đẹp vốn có, làm cho mọi người thêm yêu quê hương, đất nước để thấy rõ hơn trách nhiệm với những gì ông cha để lại.
Việc chuyển đổi số đang mang đến “làn gió mới”, khẳng định sứ mệnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh mới. Phương pháp này cho phép tiến hành với đa dạng di sản vật thể, phi vật thể đến các di sản phức hợp như lễ hội, các kỹ năng gắn liền với các nghệ nhân… Những thông điệp, giá trị quý báu mà tiền nhân trao gửi trong mỗi làn điệu dân ca, hay qua từng nét kiến trúc, chạm khắc tinh xảo trên gỗ, đá đều có thể được lưu trữ, bảo tồn vĩnh viễn trên không gian số. Đặc biệt, với công nghệ tích hợp âm thanh, hình ảnh 3D sống động, tính trực quan và độ tin cậy cao nên người xem có thể dễ dàng tương tác, xoay lật mọi góc nhìn để quan sát hiện trạng di tích một cách chi tiết trong không gian 3 chiều.
Tương lai không xa, khi hệ thống cơ sở dữ liệu di sản văn hóa Bắc Ninh đưa vào vận hành, khách tham quan có thể sử dụng tối đa chức năng trải nghiệm di sản. Thông qua các thiết bị công nghệ như smartphone, ipad, máy tính, du khách dễ dàng tiếp cận thông tin tổng quan về di sản; bản đồ hướng dẫn đường đi, địa điểm; truy cập tra cứu thông tin dữ liệu gắn liền với một nhân vật, sự kiện hay một cổ vật, một di tích, hoặc cũng có thể đánh giá, góp ý, chia sẻ cảm nhận của mình về di sản... Giải pháp này như một hướng dẫn viên đồng hành cùng du khách, nâng cao trải nghiệm, tăng giá trị nhận diện di sản. Hơn nữa, các di sản ở dạng số hóa sẽ được quảng bá nhanh chóng thông qua mạng internet, không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ nên tạo những dịch vụ thuận lợi cho du lịch để thu hút khách tham quan...
Theo các chuyên gia, số hóa di sản là công việc không có điểm dừng, luôn được cập nhật thường xuyên, bổ sung theo thời gian. Hiện nay, việc số hóa kho dữ liệu phong phú về di sản mới chỉ nhằm mục đích lưu trữ là chính. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng lợi thế của không gian số không chỉ giúp bảo tồn hiệu quả và phát huy giá trị di sản một cách bền vững mà còn có thể khai thác, đánh thức giá trị kinh tế từ nguồn dữ liệu số. 

Bạn đang đọc bài viết "Bắc Ninh: “Làn gió mới” trong bảo tồn di sản văn hóa" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn